Đối với thế hệ người yêu nhạc xưa, chiếc đầu đĩa VCD và các băng đĩa nhạc đã trở thành một góc hoài niệm không thể nào quên được.
Đã có một thời, chiếc đầu đĩa VCD là vật dụng thân thuộc trong mọi gia đình, những băng đĩa nhạc CD, VCD hay DVD rất được nâng niu. Thế nhưng, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, chúng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Trước đây, tại chợ Đông Ba, chợ Bến Ngự và nhiều con đường trên địa bàn Thành phố Huế, mỗi đường có đến 4 - 5 cửa hàng bán băng đĩa nhạc. Bây giờ, đi dọc các tuyến phố, để tìm được cũng không phải dễ dàng. Những địa điểm một thời “huy hoàng” đã dẹp tiệm từ mấy năm nay. Một số khác đã sang chủ hoặc chuyển về mặt bằng khác, thu hẹp quy mô buôn bán.
Các cửa hàng kinh doanh băng đĩa tại chợ Đông Ba chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ảnh: Quốc Hùng
Khi nhắc đến công nghệ thì từ người ta nhắc đến nhiều nhất là “thay đổi”, vì nếu như không thay đổi, bạn sẽ chấp nhận việc bị tụt hậu lại phía sau. Chính vì vậy, nhiều thiết bị và sản phẩm, tuy đã từng làm mưa làm gió, nhưng đã dần phải nhường chỗ và bị thay thế hoàn toàn. Thời hưng thịnh nhất của băng đĩa (CD/VCD/DVD) là những năm giữa thập niên 90 đến khoảng 2008. Lúc cao điểm, thành phố Huế có đến hàng trăm cửa hàng băng đĩa, mỗi cửa hàng phải thuê 2 - 3 nhân viên để bán. Hàng lấy về chỉ vài tuần là bán sạch, nhiều người mê nhạc còn phải đặt hàng trước. Ra đời năm 2004, tiệm của ông Minh Thắng cũng đã có những năm tháng được hưởng cảnh vàng son của nghề kinh doanh băng đĩa. “Cách đây hơn 10 năm, tôi thường đặt hàng băng đĩa nhạc vừa được phát hành về để phục vụ nhu cầu khách hàng. Cửa hàng tôi bao giờ cũng đầy người vào ra. Nhiều phim truyền hình đang trình chiếu đã thấy khán giả ùn ùn đi mua đĩa phim để xem trước”, ông chia sẻ .
Giờ đây, cửa hàng bán đĩa trong ngày thường rất vắng người mua. Ảnh: Quốc Hùng
Trở lại những năm cuối của thập niên 1990, khi giai đoạn của băng cassette và băng video VHS bắt đầu qua đi, nhường chỗ cho chiếc đĩa CD, VCD. Thời điểm đó Internet vẫn còn là một cái gì đó xa vời, có khi người ta phải tới lui tiệm băng nhạc nhiều lần để tìm bài hát yêu thích, hoặc mua đĩa trắng đặt người ta "đánh đĩa" lại. Chương trình ca nhạc vang bóng như MTV Asia Hit List hay Làn Sóng Xanh thường trực phát các ca khúc nhạc trẻ được hát bởi những ca sĩ “đinh” như Phương Thanh, Lam Trường, Thu Phương, Mỹ Linh. Cũng vào thời gian này, Britney chính thức trở thành một hiện tượng với bài hit “Baby One More Time” năm 1999, không chỉ khiến người Mỹ phát sốt mà cả giới trẻ Việt Nam. Các quầy băng đĩa đã đáp ứng nhu cầu xem phim, nghe nhạc của từng đối tượng khách hàng: từ kiếm hiệp, tình cảm đến tâm lý xã hội, từ phim Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc đến Thái Lan... Loại hàng hóa này len lỏi khắp các ngõ ngách, được bán dạo nhan nhản ở chợ, bến xe, kể cả ở các vùng sâu, vùng xa… Cái cảm giác sung sướng, hạnh phúc thế nào khi mua được một chiếc đĩa album mới của ban nhạc, ca sĩ mình yêu thích có lẽ những người trẻ sống trong thời đại mới sẽ chẳng bao giờ được trải nghiệm. “Ngày ấy, tôi thường đến tiệm gần nhà để mua VCD về nghe. Tôi thường mua những album của Ưng Hoàng Phúc, HAT, sau này còn có thêm nhạc phim Ngôi nhà hạnh phúc, nhạc game Audition…”, bạn Thu Hương nhớ lại.
Băng đĩa nhạc: Hoài niệm một thời
Mỗi chiếc CD là một câu chuyện kể của quá khứ. Thoáng chốc, những cái tên lần lượt trở thành dĩ vãng. Spice Girls tan rã, và cả Backstreet Boys, Brit lớn và Michael Jackson trở thành tượng đài, Làn Sóng Xanh nhường chỗ cho các kênh giải trí. Bây giờ đã là kỷ nguyên của internet, tất cả nền tri thức của con người được đưa vào kho chứa đó kể cả âm nhạc. Nhiều người, nhất là các bạn trẻ bây giờ chọn cách lên mạng để tìm kiếm thông tin, nghe nhạc, tải nhạc, xem phim và tải phim miễn phí về máy tính cá nhân hoặc điện thoại di động. Ngay cả các nghệ sĩ, nhà sản xuất chương trình cũng lựa chọn hình thức phát hành sản phẩm dưới dạng băng đĩa ngày càng ít. Giờ đây CD, VCD, DVD đã dần không còn chỗ đứng, không được công chúng và người nghe ưa chuộng nữa mà thay vào đó là công nghệ online. Theo thống kê của Tạp chí Billboard, 46% doanh thu hiện nay của một ca sĩ đến từ các website âm nhạc trực tuyến, 6% từ YouTube, 38% từ việc khán giả tải xuống các ca khúc và chỉ có 9% từ doanh thu bán CD. Rất nhiều MV của các ca sĩ như Sơn Tùng M-TP, Bích Phương, Noo Phước Thịnh lọt vào danh sách triệu "view" (lượt xem) và đứng thứ hạng cao trong xếp hạng "trending" (thịnh hành) của YouTube. So với việc làm CD truyền thống tốn kém bạc tỷ thì làm MV tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền bạc và công sức.
Nhiều thế hệ đã lớn lên bằng băng đĩa nhạc, phim và giờ đây tất cả chỉ còn là ký ức. Ảnh: Quốc Hùng
Xét về mặt chất âm, độ độc đáo và tính lịch sử, đĩa CD khó cạnh tranh với đĩa than (vinyl). Xét về độ tiện lợi trong lưu trữ, sử dụng và quản lý, đĩa CD hoàn toàn thất thế trước file nhạc số. Nhưng ở một khía cạnh khác, đĩa CD vẫn có giá trị sưu tầm cao, và đối với những dòng đĩa cao cấp chất lượng âm thanh vẫn rất tốt. Khách bây giờ đây mua đĩa nhạc chỉ còn rất ít. Đó là những người già không quen sử dụng công nghệ số, những người dùng đĩa để dùng trên xe hơi, thi thoảng có thêm khách Việt kiều. Có lẽ, tất cả mọi người đều không nghĩ đến việc ngày tàn của băng đĩa (CD/VCD/DVD) nhanh đến thế. Đời sống công nghệ số, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, máy tính là có thể kết nối Internet để nghe nhạc, xem phim thoải mái, đặc biệt miễn phí với chất lượng cao. Đó vốn chỉ là phương tiện lưu giữ âm thanh, hình ảnh, và khi có phương tiện khác cung cấp, lưu giữ tốt hơn thì người tiêu dùng sẽ theo cái mới. Sức mạnh của thời gian có thể khiến công nghệ thay đổi đến chóng mặt, băng đĩa tới đây có lẽ chỉ còn trong ký ức của những người hoài cổ. Biết là vậy, nhưng trước một “cái chết”, ai dám chắc sẽ không có chút ít tiếc nhớ, ngậm ngùi?
Related News
Gió đã bắt đầu se lạnh. Huế của những ngày mưa ngồi café cóc thật thi vị.
Hình ảnh những cơn mưa ở Huế dường như đã là thương hiệu, là một đặc sản của vùng đất...
Mình sẽ được ăn món chi rứa em? Là câu chị hỏi trong điện thoại hôm qua. Em kể một hơ...
Vốn dĩ mùa thu Huế rất hiếm, vì ở xứ sở này người ta thường chỉ nhớ đến hai mùa nắng ...