Cửa biển Thuận An ghi dấu ấn trong sử sách từ đầu thế kỷ XV với tên gọi ban đầu là cửa Eo dưới thời nhà Hồ. Theo dòng lịch sử, cửa biển trải qua nhiều lần đổi tên. Vai trò của Thuận An trở nên quan trọng dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII - XVIII) khi nơi đây trở thành thủy lộ chính của ba con sông Hương, Bồ và Ô Lâu, là cửa ngõ để tiến vào thủ phủ của các chúa Nguyễn.
Cũng trong giai đoạn này, Thuận An là cửa khẩu quốc tế sầm uất, kiểm soát tàu thuyền trong nước và quốc tế ra vào buôn bán ở thương cảng Thanh Hà - Bao Vinh. Năm 1813, vua Gia Long đổi tên cửa biển thành Thuận An, với ý nghĩa "cửa biển an toàn, thuận lợi", đồng thời cho khắc hình cửa biển lên Cửu Đỉnh. Vẻ đẹp của Thuận An được vua Thiệu Trị công nhận khi xếp nơi đây là thắng cảnh thứ 10 trong "Thần kinh nhị thập cảnh", một bộ sưu tập 20 thắng cảnh nổi tiếng của xứ Huế.
Sau năm 1975, Thuận An lần lượt trải qua nhiều thay đổi về địa giới hành chính, ban đầu thuộc huyện Phú Vang, sau đó nhập vào thành phố Huế, rồi lại trở về là thị trấn thuộc huyện Phú Vang. Từ ngày 01/7/2021, Thuận An chính thức là một phường thuộc TP. Huế.
Cửa biển Thuận An từng được xem là cửa biển trọng yếu bậc nhất của Kinh đô Huế. Trong lịch sử, nơi đây được xây dựng hệ thống phòng thủ kiên cố, hiện đại với các công trình tiêu biểu như Trấn Hải Thành, pháo đài Hòa Duân. Hệ thống phòng ngự được thiết lập liên hoàn, kết hợp giữa các pháo đài, đồn lũy trên sông và trên bộ, tạo thành mạng lưới phòng thủ vững chắc, tầm bảo vệ rộng lớn.
Của biển Thuận An còn là nơi sông Hương hòa mình vào phá Tam Giang trước khi đổ ra biển Đông. Trước đây, giao thông ở khu vực này khá trắc trở và khó khăn do đây là vùng sông ngòi, đầm phá gắn liền với biển Đông, việc di chuyển chủ yếu dựa vào thuyền đò. Cách đây mấy năm về trước, chính quyền đã cho xây dựng những chiếc cầu vượt phá để phục vụ nhu cầu đi lại và giao thương.
Hiện nay, một cây cầu mới đang được xây dựng bắc qua cửa biển Thuận An, nối xã Thuận An và Hải Dương. Đây là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất khu vực miền Trung, với nhịp chính sử dụng cáp hỗn hợp có chiều dài và chiều cao hàng đầu Việt Nam. Cây cầu là một hạng mục thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng vào tháng 3/2025.
Thuận An - Hải Dương là vùng đất hội tụ những yếu tố để phát triển du lịch với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, di tích lịch sử độc đáo và văn hóa đặc trưng của vùng ven biển. Nơi đây còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử - văn hóa cùng nhiều lễ hội truyền thống, nỗi bật là "Lễ hội cầu ngư" được tổ chức thường niên. Thuận An thu hút du khách bởi bãi biển thơ mộng, hoang sơ với bãi cát trắng mịn, làn nước trong xanh, là nơi lý tưởng để tắm biển, cắm trại, ngắm bình minh và hoàng hôn.
Bên cạnh đó, du khách có thể ghé thăm các địa điểm tham quan ấn tượng như Trấn Hải Đài - nơi đóng quân của đồn Biên phòng cửa khẩu, miếu thờ Thai Dương Phu Nhân hay còn gọi là miếu bà Giàng - ngôi miếu cổ linh thiêng gắn liền với nhiều giai thoại kỳ bí.
Ngoài ra, ẩm thực địa phương nơi đây cùng với các món hải sản đặc trưng là một điểm cộng và đang chờ đón bạn đến thưởng ngoạn và khám phá.
Tin liên quan
Nếu đã một lần đặt chân đến mảnh đất cố đô Huế mộng mơ, đừng bỏ lỡ cơ hội đắm mình và...
Sông Hương là niềm tự hào của mảnh đất cố đô, sở hữu nét đẹp tạo hóa ban tặng đã khiế...
Cầu Tràng Tiền giữ một vai trò vị trí quan trọng và là điểm tham quan hấp dẫn trong c...
Với người Huế, hầu như không ai là không nghe, không biết đồi Vọng Cảnh- Một ngọn đồi...