Chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế” và công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa.
Tại Sân Điện Thái Hòa và khu vực Điện Cần Chánh - Đại Nội Huế đã diễn ra chương trình Cố đô Huế - Nơi di sản thăng hoa: Khánh thành Điện Thái Hòa và đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO và động thổ phục hồi Điện Cần Chánh.
Nhân dịp 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2024), tỉnh Thừa Thiên Huế – Vùng đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến – Sẽ tổ chức một chuỗi sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh vẻ đẹp bất tận của di sản văn hóa dân tộc. Sự kiện là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của di sản trong việc kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới.
Sự kiện lần này không chỉ vinh danh "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế" với sự công nhận của UNESCO, mà còn đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hành trình phục hồi, bảo tồn các công trình kiến trúc biểu tượng như Điện Thái Hòa và Điện Cần Chánh. Đây là minh chứng rõ ràng về cam kết bảo vệ di sản văn hóa và truyền tải niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau.
Điên Thái Hoà lung linh trong đêm sau khi hoàn thành trùng tu
Điện Thái Hòa là kiến trúc quan trọng bậc nhất của Hoàng thành Huế. Đây là nơi tổ chức lễ đăng quang của 13 vị Hoàng đế triều Nguyễn; nơi tổ chức các nghi lễ quan trọng nhất của triều đình. Ngôi điện này được xây dựng từ mùa xuân 1805 thời Gia Long. Đến thời Minh Mạng, triều đình cho tu bổ cải dựng tại địa điểm mới từ năm 1832, đến năm 1833 thì hoàn thành.
Sau hàng trăm năm tồn tại, Điện Thái Hòa đã trở thành một chứng nhân, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, dưới tác động của thời gian, chiến tranh, khí hậu khắc nghiệt, công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt, đợt mưa bão cuối năm 2020 khiến ngôi điện đứng trước nguy cơ cần phải cứu nguy.
Biểu tượng rồng trên mái của điện Thái Hoà uy nghiêm
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế đang là địa phương có số lượng di sản thế giới nhiều nhất Việt Nam. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự phong phú và đa dạng của hệ thống di sản văn hóa mang giá trị toàn cầu tại vùng đất Cố đô.
Tỉnh Thừa Thiên Huế cam kết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Chương trình, kế hoạch hành động của Quốc tế và của Chính phủ Việt Nam về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; với các giải pháp cụ thể, vừa trước mắt, vừa lâu dài để tạo sức sống mới cho di sản; để di sản mãi mãi trường tồn, ngày càng lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Mở đầu chương trình, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã trình điễn Lễ thiết triều – Tái hiện tinh hoa văn hóa cung đình triều Nguyễn nhằm tái hiện nghi lễ thiết triều thông qua hình thức sân khấu hóa, mang đến không gian uy nghi, trang trọng của một triều đại huy hoàng. Tiếp đó, Huế đã công bố hoàn thành Điện Thái Hòa và đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO. Điện Thái Hòa nằm trong Đại nội Huế, được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long, là biểu trưng quyền lực của triều Nguyễn. Nơi đây diễn ra các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như lễ đăng quang, sinh nhật vua, đón tiếp sứ thần và các buổi đại triều. Trải qua biến cố chiến tranh và thiên tai, điện Thái Hòa đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều cấu kiện gỗ mục ruỗng, không đảm bảo an toàn, phần mái ngói hư hại do bão, phải che chắn tạm thời bằng bạt. Tháng 11/2021, điện Thái Hòa được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế trùng tu với tổng kinh phí 128 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Trước lúc hạ giải điện Thái Hòa, Trung tâm đã tổ chức hội thảo, tham vấn các nhà nghiên cứu văn hóa và số hóa 3D nhằm lưu giữ nguyên bản.
Điện Thái Hòa được tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh Hoá, tường gạch, phục hồi màu sắc nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói; bờ mái và con giống khảm sành sứ; hệ thống trang trí pháp lam... Dự án cũng tiến hành tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất; tu bổ, gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên Điện, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh; hệ thống điện chiếu sáng…
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện UNESCO đã trao Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO: Ghi danh “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng” vào danh mục Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chín đỉnh đồng không chỉ là minh chứng cho kỹ thuật đúc đồng đỉnh cao mà còn là biểu tượng về sự thống nhất và bền vững của quốc gia. Sự công nhận của UNESCO là niềm tự hào lớn lao, khẳng định giá trị toàn cầu của di sản Huế. Các Nghệ nhân cũng đã trao tặng hiện vật như Biên Khánh từ nghệ nhân Hàn Quốc và tác phẩm Long Mã từ nghệ nhân Việt Nam sẽ trở thành những món quà vô giá dành cho Huế.
Điện Thái Hoà đã lấy lại vẻ uy nghiêm và sự lung linh vốn có
Trong quá trình trùng tu, bảo vật quốc gia Ngai vàng triều Nguyễn ở điện Thái Hòa được bảo quản tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Sau khi dự án hoàn thành, ngai vàng sẽ được di chuyển trở lại vị trí ở điện Thái Hòa.
Bửu Tán sau khi phục hồi
Nội thất ngôi điện được sơn son thếp vàng lại hoàn toàn dưới bàn tay lành nghề của các nghệ nhân
Dịp này, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng động thổ công trình tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh. Theo sử liệu, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), bị thiêu hủy hoàn toàn vào năm 1947, chỉ còn sót lại phế tích là phần nền móng. Cùng với điện Thái Hòa và điện Càn Thành, điện Cần Chánh là 3 công trình mang tính biểu tượng của vương triều Nguyễn, nằm trên trục thần đạo. Đây là nơi làm việc của các vua nhà Nguyễn, tổ chức thiết triều và yến tiệc trong những dịp khánh hỷ, tiếp đón các sứ bộ quan trọng. Cần Chánh được cho là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm thành - Đại nội Huế. Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh có quy mô diện tích khoảng 1ha, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng, thực hiện trong 4 năm.
Tin liên quan
Sự cạnh tranh mạnh mẽ của các điểm đến du lịch trong nước và nhu cầu ngày càng cao củ...
Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Fe...
Sau 4 tháng triển khai, lễ Công bố và Vinh danh “Top 9 sản phẩm du lịch ấn tượng Huế ...
Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Fe...