Cố đô Huế không chỉ nổi tiếng với những cung điện nguy nga, lăng tẩm cổ kính hay những khu phố sầm uất như Đông Ba, Gia Hội mà còn là nơi ghi dấu một thương cảng sầm uất đã hình thành từ thời các chúa Nguyễn mới vào định đô ở xứ Đàng Trong: thương cảng Thanh Hà- Bao Vinh.
Nằm bên dòng sông Hương thơ mộng, cách phía bắc Kinh Thành Huế khoảng 3km, Thanh Hà xưa kia gọi là Phố Lở - một cảng khẩu, khu vực buôn bán khá nổi tiếng tại miền Thuận Hoá trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Thương cảng này được hình thành do những thương nhân Trung Hoa kiều cư đến đất Việt và buôn bán trên khu vực sông Hương. Theo thời gian, nơi đây trở thành một trung tâm giao thương quan trọng, thu hút tàu thuyền từ khắp nơi trên thế giới đến buôn bán, trao đổi hàng hóa.
Thương cảng Thanh Hà không chỉ là nơi giao thương mà còn là nơi giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Trung Hoa. Dấu ấn của nền văn hóa Trung Hoa vẫn còn hiện diện trong kiến trúc của một số công trình cổ còn sót lại tại đây, như tòa Thiên Hậu cung và một vài nhà Từ Đường. Đây cũng là cơ sở để hình thành nên các phố thị như Bao Vinh, Gia Hội, Đông Ba.
Tuy nhiên, trải qua thời gian và những biến cố lịch sử, thương cảng Thanh Hà dần suy tàn và mất đi vị thế của mình. Dấu vết xưa cũ hầu như không còn, thay vào đó là một vùng quê yên bình, xanh mát với dòng sông Hương thơ mộng. Thương cảng Thanh Hà tuy đã lùi vào dĩ vãng, nhưng những dấu ấn của nó vẫn còn đọng lại trong lịch sử và văn hóa của Huế. Nó là một phần quan trọng trong quá khứ của vùng đất cố đô, góp phần tạo nên một diện mạo đa dạng và phong phú cho Huế ngày nay.
Ngày nay, khi đến với Huế, du khách có thể ghé thăm phố cổ Bao Vinh, làng cổ Minh Hương - những địa danh còn lưu dấu những giá trị lịch sử và văn hoá của một thương cảng Thanh Hà trong quá khứ. Dạo bước bên bờ sông hay nhâm nhi tách cà phê trong căn nhà gỗ ở phố Bao Vinh, du khách có thể cảm nhận được phần nào không khí nhộn nhịp, sầm uất của một thương cảng phồn hoa một thời.
Đình làng Bao Vinh còn nguyên dấu vết thời gian
Thanh Hà bây giờ chỉ còn là đoạn sông bình yên trong nắng sớm
Trong lịch sử ngoại thương Việt Nam, chính sách “li cách” (phân ly và cách biệt) của các triều đại phong kiến đã định hình nên mạng lưới thương cảng đặc trưng. Trong đó, phố cảng Thanh Hà (Thuận Hóa) nổi lên như một điểm giao thương quan trọng dưới thời Chúa Nguyễn, phản ánh sự giao thoa giữa địa lý, kinh tế và chính sách quản lý thương mại thời bấy giờ.
Từ thời Lý - Trần, Việt Nam đã áp dụng chính sách hạn chế thương nhân ngoại quốc tiếp cận kinh thành, tập trung họ tại các thương cảng có vị trí cách biệt hàng trăm cây số như Vân Đồn, Phố Hiến, Hội Thống… Đến thế kỷ XVII, Đàng Trong dưới quyền Chúa Nguyễn mở cửa giao thương mạnh mẽ hơn, cho phép người Hoa, Nhật lập phố buôn ở Hội An (Quảng Nam). Tuy nhiên, vùng Thuận Hóa (Thừa Thiên - Quảng Trị) vốn đất nghèo, ít thổ sản, nên việc phát triển thương cảng ở đây gặp nhiều thách thức. Dù vậy, do vị trí chiến lược về giao thông và nhu cầu mở rộng ảnh hưởng của Chúa Nguyễn đã thúc đẩy sự hình thành Thanh Hà.
Theo tư liệu lịch sử, từ cuối thế kỷ XVI, thương thuyền Trung Hoa và sau này là người châu Âu đã thường xuyên đến Thuận Hóa, chở theo tơ lụa, đồng, sắt và đồ sứ. Đến năm 1636, Chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ chúa từ Phước Yên về Kim Long (Thừa Thiên), gần sông Hương, đã đánh dấu về việc vị trí đặt phủ chúa đã dần ổn định sau một quá trình di dời. Việc ổn định nơi đặt thủ phủ cũng là bước ngoặt quan trọng, tạo điều kiện cho thương cảng Thanh Hà ra đời.
Vị trí của Thanh Hà nằm giữa trung tâm hành chính Kim Long và cửa biển Thuận An, thuận lợi cho tàu thuyền lớn từ Trung Hoa, Nhật Bản cập bến. Sông Hương rộng và sâu trở thành tuyến giao thương lý tưởng, thay thế cho các bến cảng cũ ở Quảng Trị. Các tài liệu như Đông-Tây dương khảo và đơn từ của làng Minh Hương (1726) xác nhận: “Sau khi Thượng Vương dời phủ về Kim Long, tiền nhân được phép lập chợ tại giáp giới xã Thanh Hà và Địa Linh”.
Cổng đền Quan Công thôn Địa Linh, chứng tích của một thời hưng thịnh
Cũng vào thời đó, từ phủ chúa ở Kim Long có những nhánh sông tự nhiên nối sông Hương đoạn ở thượng lưu và đổ về hạ lưu như sông Kim Long (sông lấp Phú Mộng ngày nay), sông Bạch Yến tạo nên các tuyến giao thông thuỷ thuận tiện kết nối đến Thanh Hà. Từ những cơ sở đó, các nhà nghiên cứu đã xác định niên đại ra đời của phố cảng Thanh Hà cùng với sự ra đời của thủ phủ Kim Long, tức là khoảng năm 1636.
Khác với Hội An - nơi giàu có về lúa, lụa, trầm hương - Thanh Hà phát triển nhờ vị trí trung chuyển. Nơi đây trở thành cửa ngõ nối liền kinh đô Kim Long với thế giới bên ngoài, nơi thương nhân trao đổi hàng hóa như gốm sứ, kim loại, vải vóc. Dù không thể sánh bằng Hội An về quy mô, Thanh Hà vẫn giữ vai trò thiết yếu trong việc cung ứng vật phẩm xa xỉ và nguyên liệu cho triều đình.
Sự tồn tại của Thanh Hà phản ánh tầm nhìn chiến lược của Chúa Nguyễn trong việc cân bằng giữa chính sách “li cách” và nhu cầu phát triển kinh tế. Đây không chỉ là trung tâm thương mại mà còn là nơi giao thoa văn hóa Việt – Hoa, thể hiện qua kiến trúc phố cổ và cộng đồng Minh Hương. Dấu tích phố Thanh Hà ngày nay tuy không còn nguyên vẹn, nhưng vẫn là minh chứng cho giai đoạn hưng thịnh của thương cảng Đàng Trong, góp phần định hình diện mạo đô thị Huế sau này.
Thiên Hậu Cung (Chùa Bà), một trong những di tích còn hiếm hoi sót lại của thương cảng Thanh Hà một thời
Theo tư liệu lịch sử, phố Thanh Hà ban đầu chỉ là một đám đất bồi nhỏ ven sông Hương, với diện tích khoảng 1 mẫu 5 thước 4 tấc. Đến năm 1658, khu đất này được chính thức ghi vào sổ địa chính và được Chúa Nguyễn công nhận là nơi kiều cư cho thương khách. Đây là bước khởi đầu cho sự hình thành của phố cảng Thanh Hà.
Đến năm 1669, diện tích phố đã được mở rộng đáng kể, lên tới 7 mẫu 5 sào 8 thước 2 tấc. Trong đó, phần lớn đất đai thuộc địa giới xã Thanh Hà, còn lại thuộc xã Địa Linh. Sự mở rộng này cho thấy sự phát triển nhanh chóng của phố cảng, thu hút ngày càng nhiều thương nhân đến buôn bán và sinh sống.
Vào thế kỷ 18, phố Thanh Hà tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thương nhân người Hoa đã mua thêm đất ven sông, mở rộng khu vực buôn bán. Đến năm 1700, phố được Chúa Nguyễn cho phép xây dựng nhà cửa bằng gạch để phòng hỏa hoạn, thay thế cho những ngôi nhà tranh ban đầu. Những ngôi nhà gạch này không chỉ tạo nên diện mạo mới cho phố cảng mà còn thu hút thương nhân Trung Hoa đến thuê nhà trong mùa buôn bán.
Năm 1749, nhà thám hiểm người Pháp P. Poivre đã đến thăm Thanh Hà và ghi lại trong nhật ký của mình rằng phố này có kiến trúc giống hệt kiểu dáng Trung Hoa, với những con đường lớn được lát đá và những dãy phố liền kề. Điều này cho thấy sự phồn thịnh và ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa mạnh mẽ tại Thanh Hà.
Miếu Trần Tiễn Thành cũng là một trong những dấu vết nhận diện thương cảnh Thanh Hà còn sót lại đến ngày nay
Dưới thời Tây Sơn (1786 - 1802), phố Thanh Hà đã trải qua một số biến động. Năm 1787, dân xã Địa Linh đã kiện lên triều đình Tây Sơn về việc phố buôn Thanh Hà ngăn trở cửa đền Quan Công của làng. Triều đình Tây Sơn đã quyết định trả lại phần đất đó cho xã Địa Linh, nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của các thương nhân bằng cách bồi thường theo giá đất hiện thời.
Cũng trong thời kỳ này, phố Thanh Hà và phố Hội An được tách thành hai đơn vị hành chính riêng biệt, gọi là “Minh Hương xã phố Thanh Hà” và “Minh Hương xã phố Hội An”. Điều này cho thấy sự phát triển độc lập của hai phố cảng và sự quan tâm của chính quyền Tây Sơn trong việc quản lý các cộng đồng thương nhân người Hoa.
Dưới thời nhà Nguyễn, phố Thanh Hà tiếp tục phát triển và hoàn thiện về mặt hành chính. Năm 1811, theo địa bạ Gia Long, diện tích phố Thanh Hà đã tăng lên đáng kể, bao gồm cả khu vực Thiên Hậu cung rộng lớn. Đến năm 1815, phố Thanh Hà chính thức trở thành một đơn vị hành chính độc lập, với việc lập hương bộ riêng và biệt nạp thuế thổ.
Năm 1827, dưới thời vua Minh Mạng, tên gọi “Minh Hương” (明香) được đổi thành “Minh Hương” (明鄉), sử dụng chữ “hương” (鄉) với nghĩa là “làng” thay cho chữ “hương” có nghĩa là “hương hoả” như trước đây cho phù hợp hơn với ngữ nghĩa tiếng Việt. Điều này thể hiện sự quan tâm của triều đình trong việc chuẩn hóa và quản lý các đơn vị hành chính.
Phố cảng Thanh Hà đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, từ một khu đất bồi nhỏ bé ven sông Hương trở thành một trung tâm thương mại sầm uất, thu hút thương nhân trong và ngoài nước. Sự thay đổi diện mạo của phố cảng không chỉ thể hiện qua sự mở rộng diện tích, kiến trúc mà còn qua sự phát triển về mặt hành chính và văn hóa. Thanh Hà không chỉ là một phố cảng quan trọng của xứ Đàng Trong mà còn là minh chứng cho sự giao thoa văn hóa Việt – Hoa trong lịch sử.
Bến Chùa Bà ở làng Thanh Hà
Sự xuất hiện của Cồn Bút giữa sông Hương là một tác nhân địa lý trực tiếp đánh quỵ khu thương mại sầm uất Thanh Hà bên cạnh trung tâm chính trị Phú Xuân thì Bao Vinh đón lấy cơ hội đó để hội tụ doanh nhân trở thành khu thương mại lớn của đất Kinh Kỳ vào thế kỷ XIX.
Bao Vinh là địa điểm thứ hai của chuỗi cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh, nơi đây có nhiều yếu tố thuận lợi: cận thị, cận giang, cận lộ đại, cận kinh và cận Thanh Hà nên đảm bảo cho sự chuyển dịch và phát triển doanh thương. Trong đó ưu thế vẫn là cảng sâu tiện lợi cho tàu thuyền cập bến.
Sau gần một thế kỷ tồn tại, Bao Vinh đã từng được ghi lại như một trung tâm buôn bán và du lịch hấp dẫn. Đây là cảng trong đất liền ở Huế, thuyền của người Hoa và người Việt đậu trên khúc sông rộng 150m và sâu từ 4-8m. Hàng hóa hết sức đa dạng, ngoài lụa là, gấm vóc còn các sản vật như ngà voi, đường, quế, thuốc nhuộm, vải vóc, đồ sành sứ, mỹ nghệ bằng ngà...
Sự thịnh vượng của Bao Vinh chủ yếu là nhờ cảng sông. Không chỉ có Hoa thương, ở Bao Vinh các doanh thương người Việt cũng nổi lên làm chủ thị trường. Họ có nguồn gốc và quê quán khác nhau nhưng đến Bao Vinh chỉ vì một mục đích kinh doanh.
Phố cổ Bao Vinh vẫn còn nhiều ngôi nhà mang dấu tích là nơi buôn bán họp chợ từ ngày xưa
Thanh Hà và Bao Vinh đã đi vào lịch sử thương mại Việt Nam và tiến trình phát triển đô thị thời phong kiến như một trong những mốc son thịnh vượng tỏa sáng hơn 3 thế kỷ (1636-1945). Mang những đặc điểm cổ kính nhất của di sản đô thị Huế, thương cảng Thanh Hà - phố cổ Bao Vinh là hai địa danh quan trọng trong quá trình phát triển của kinh thành Huế. Khám phá vùng đất này sẽ cho ta hiểu sâu hơn rằng ngày xưa Huế đã từng có một thương cảng sầm uất, là trung tâm thương mại của vùng đất Phú Xuân - Thuận Hóa, một vùng đất vang bóng một thời cảng phố ven sông.
Tin liên quan
Khu vực đỉnh Bạch Mã đang vào mùa đẹp nhất khi đỗ quyên trắng bung nở, khoe sắc cùng ...
Nếu ở Hà Nội, bạn đã quá quen thuộc với sự nổi tiếng của Văn Miếu Quốc Tử Giám, thì ở...
Nằm cách trung tâm TP. Huế chỉ hơn 5km, đồi Vọng Cảnh nằm ngay khúc uốn đẹp nhất của ...
Chụp ảnh Tết sớm đã trở thành một trào lưu được giới trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Đây kh...