Điện Thái Hòa là công trình quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế- nơi các vị vua Nguyễn ngự trên ngai vàng cai trị đất nước trong hơn 100 năm.
Cầu Trung Đạo và Điện Thái Hòa
Theo các nhà nghiên cứu, chữ Thái Hòa trong tên gọi “Thái Hòa Điện” của công trình mang ý nghĩa triết học sâu sắc. Chữ “Thái” là sự lớn lao, to rộng, chữ “Hòa” hàm ý “hài hòa, hòa hợp”-cuộc sống hòa hợp âm và dương, giữa cương và nhu, giữa người và người, giữa người và Trời, giữa người và Đất thì mới hữu ích cho vạn vật. Khi cuộc sống đạt được sự hài hòa rộng lớn trong mọi mối quan hệ thì sẽ có điều kiện để phát triển mạnh mẽ. Trên một nghi môn bằng đồng dựng trước mặt điện Thái Hòa, ở đầu cầu Trung Đạo có gắn một biển đề: “Trung hòa vị dục”. Ý nghĩa của câu này cũng xuất phát từ tư tưởng: Trung là cái gốc lớn của thiên hạ, Hòa là đạt đạo của thiên hạ, khi đạt được sự trung hòa tột cùng rồi thì trời đất yên ổn, vạn vật sinh sôi nảy nở. Như vậy, ý nghĩa của câu này có liên quan mật thiết với hai chữ “Thái Hòa” của công trình kiến trúc chính. Có thể xem tên gọi của điện Thái Hòa như một tiêu chí, một ước nguyện của các vua nhà Nguyễn về một nền thái bình no ấm, đất nước và vương triều đều phát triển, thịnh vượng.
Được khởi công xây dựng vào tháng 2 năm 1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm, điện Thái Hòa là một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc cung đình Huế với kiểu thức “trùng thiềm điệp ốc” (hai bộ mái trên một mặt nền), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly. Hệ thống 80 chiếc cột bằng gỗ lim được sơn son thếp vàng, trang trí hoa văn rồng mây cùng motif “nhất thi nhất họa” với hàng trăm bài thơ chữ Hán trên các ô hộc ở phần liên ba, đố bản bên trong điện và trên dải cổ diêm ở mái đã đem lại nét duyên dáng cho công trình đồ sộ này. Bên trong điện Thái Hòa, phía trên ngai vàng là bửu tán trang trí 9 con rồng được thếp vàng rực rỡ.
Phía trước điện Thái Hòa là sân Đại triều nghi, nơi các quan đứng dự lễ Đại triều. Hàng tháng, các vua Nguyễn tổ chức lễ Đại triều vào hai ngày mồng 1 và 15 (âm lịch), tập trung đầy đủ bá quan văn võ. Sân có 2 tầng, được lát đá Thanh, hai bên dựng 2 hàng “phẩm sơn” (bia đá nhỏ, trên có khắc thứ bậc của các quan từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mỗi bậc có 2 hạng: chánh và tòng). Tầng trên cùng dành cho các quan văn võ từ nhất phẩm đến tam phẩm. Tầng dưới dành cho các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống. Vị trí dưới cùng, phía gần cầu Trung Đạo là nơi dành cho các hương lão đứng chầu trong những dịp khánh tiết.
Ngoài 2 lễ Đại triều hàng tháng, điện Thái Hòa còn là nơi triều đình tổ chức các hoạt động quan trọng như lễ Đăng quang, lễ Vạn thọ, v..v..Tại các buổi lễ, nhà vua sẽ ngự trên ngai vàng, chỉ có một số ít các hoàng thân được phép đứng chầu hai bên, còn tất cả các quan sẽ phải đứng trên sân Đại triều nghi theo đúng thứ bậc đã được ghi trên các tấm bia “phẩm sơn”.
Trải qua thời gian, điện Thái Hòa đã được nhiều lần trùng tu sửa chữa, trong đó phải kể đến đợt trùng tu lớn vào năm 1833 khi vua Minh Mạng cho tái quy hoạch các công trình trong Hoàng thành Huế, dời công trình từ vị trí cũ cách một đoạn không xa về phía bắc đến vị trí hiện nay; và đợt trùng tu vào năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924. Các hệ thống cửa kính và phần bửu tán thếp vàng đều được làm vào giai đoạn này.
Với vị trí trang trọng trên trục dũng đạo của Hoàng thành và nhiều ý nghĩa mang tính biểu tượng trong trang trí kiến trúc, điện Thái Hòa nổi bật uy nghi trong cảnh quan hoành tráng, thực sự là công trình tiêu biểu nhất trong quần thể kiến trúc cung đình Huế cả về giá trị lịch sử và nghệ thuật.
Tin liên quan
Chiều tối 23/11, tại Đại Nội Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công n...
Ngọ Môn, Hiển Nhơn, Chương Đức, Hòa Bình là tên 4 cửa ra vào Hoàng Thành Huế (Đại Nội...
Triều đình nhà Nguyễn trải qua 13 đời vua trị vì đã để lại cho di sản Huế một khối lư...
Ít ai biết rằng tòa nhà Ngự tiền Văn phòng là địa điểm gắn liền với sự nghiệp của một...