Ở vùng ven thủ phủ Phú Xuân xưa vẫn còn hiện hữu những công trình kiến trúc ghi dấu một thời kỳ văn hóa “xóm làng” đặc trưng của cư dân nền văn minh lúa nước. Đình làng Dương Nổ là minh chứng sống động nhất trong số đó.
Dòng lịch sử đã chảy trôi suốt hàng thế kỷ, cách đây hơn 500 năm, đình làng Dương Nổ được xây dựng vào thời vua Lê Thánh Tông (1471), trên nền đất sông Phổ Lợi. Sau đó các vị thủy tổ trong quá trình nam tiến từ bắc vào nam, đã chọn vùng đất hợp thủy thổ ở khu vực hạ lưu sông Kim Trà, nay thuộc khu vực phường Vĩ Dạ, tỉnh Thừa Thiên. Ngôi đình này ban đầu được xây dựng nên để thờ tự các vị tiền nhân đi trước.
Nổi bật với lối kiến trúc độc đáo.
Trải qua các đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và suốt thời kỳ Tây Sơn nắm quyền, thì ngôi đình vẫn có kết cấu 3 gian 2 chái quen thuộc, thêm vào đó vật liệu xây dựng ngôi đền là những vật dụng đơn sơ như tre nứa. Mãi đến những năm thời kỳ của vua Gia Long trị vì, khi ấy có một vị tướng quân tên Nguyễn Đức Xuyên, sau được ghi nhận công lao đánh dẹp nhà Tây Sơn nên được phong làm Khoái Châu Quận Công, các trưởng lão trong vùng vẫn thường gọi là Khoái Công. Ông là người làng Dương Nổ, nhận thấy quy mô nhỏ hẹp của đình Làng, ông quyết định di dời đình để xây dựng, mở rộng quy mô hơn so với trước và địa điểm được chọn là xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đó là công trình đình làng Dương Nổ với quy mô rộng lớn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Gian chính điện, nơi thờ ngài Khoái Châu Quận Công Nguyễn Đức Xuyên.( ảnh: Bảo Trung )
Đình làng Dương Nổ hiện nay được xây dựng với quy mô 5 gian 2 chái truyền thống, được xây bằng gạch, lợp ngói âm dượng, đỉnh mái chạm rồng phượng để hợp với phong thủy cũng như xua đuổi tà ma. Bên cạnh đó, đại đình, cổng đình và sân đình được liên kết với nhau theo trục Bắc Nam, trong sân đình có gian nhà thờ 7 dòng họ (thất tộc) là Nguyễn, Trần, Đoàn, Lê, Võ, Huỳnh, Dương. Tất cả những dòng họ trên là những người góp công vào việc xây dựng và tạo nên sự thịnh vượng của làng.
Gian nhà thờ thất tộc, những dòng họ có công xây dựng làng. ( ảnh: Bảo Trung )
Sát bên gian thờ thất tộc là am thờ Mẫu thần Thiên Y An Na, đây là mẫu thần của người Chămpa. Theo ông Phan Văn Phong, trưởng ban công tác mặt trận thôn Dương Nổ Đông, người dân đất Phú Xuân vẫn ý thức được rằng nơi họ đang sinh sống là đất của người Chămpa vì vậy họ cũng có một phần trách nhiệm thờ tự những vị thần người Chăm. Cũng qua đó, lưu giữ nét văn hóa truyền thống tâm linh độc đáo của vùng đất này. Hiện nay, khi vào gian nhà Mẫu thần, du khách có thể quan sát thấy được đôi bạch tượng rất đẹp được đúc bằng đá đang phục chầu trước gian thờ.
Đôi Bạch tượng trước gian nhà thờ Mẫu thần Thiên Y An Na. ( ảnh: Bảo Trung )
Tiếp đến là ngôi nhà 3 gian thờ các vị đại vương trong lịch sử. Nổi bật hơn cả đó là gian thờ chính trong quần thể ngôi đình, đó là gian nhà thờ vị Khai Canh của làng, Khoái Châu Quận Công Nguyễn Đức Xuyên. Án thờ được bố trí hợp với nghi thức bậc quận công, có công, phụng phục chầu, tấm hoàng phi treo trên mái được sơn son thiếp vàng, tạo cảnh quang uy nghi. Hai bên tả hữu là những khu vực hội họp bàn bạc, ra những quyết sách của dân làng, bên cạnh đó còn được sử dụng để đặt những đồ lễ tế. Trên đỉnh mái còn có chạm hình 3 vị Phúc-Lộc- Thọ nhằm cầu bình an và sung túc.
Địa điểm du lịch trọng điểm trong các kỳ Festival.
Trải qua suốt những năm tháng biến động của lịch sử, sau nhiều lần bị chiến tranh và thiên tai tàn phá. Đình làng Dương Nổ đã được chính quyền sở tại quan tâm, trùng tu vào những năm 1999-2003. Hiện nay, đình Làng Dương nổ về cơ bản đã được phục dựng giống như nguyên bản ban đầu. Tuy nhiên, những lễ tế, cúng bái ngày nay đã giảm đi rất nhiều so với trước đây. Hiện nay, người dân trong vùng chỉ duy trì lễ 4 cúng bái hằng năm đó là lễ Xuân thủ ( thượng tuần tháng giêng), lễ Thu tế (thượng tuần tháng 7), lễ tảo mộ ngài Khai canh (mồng bốn tháng chạp), lễ tảo mộ cô hồn (hai mươi lăm tháng chạp).Bên cạnh đó, đình làng cũng là nơi tổ chức các lễ hội truyền thống trong vùng như hôn lễ quan trọng, các lễ tế thời vụ hằng năm và các trò chơi dân gian ngày xuân.
Lối kiến trúc độc đáo được lưu giữ và bảo tồn gần như nguyên bản lúc đầu của đình làng. ( ảnh: Bảo Trung )
Trong những kỳ Fesstival diễn ra ở đất cố đô, đình làng Dương Nổ là một trong những khu vực tham quan dành được sự chú ý của đông đảo của du khách trong và ngoài nước. Những lần lễ tế đất trời hay các trò chơi dân gian trong những kỳ Festival thường được tổ chức ở nơi đây. Bên cạnh đó Đình làng Dương Nổ còn được liên kết với chuỗi công lịch sử như nhà Lưu niệm Chủ Tịch Hồ Chí Mình, Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên... tạo nên hệ thống thắng cảnh du lịch đặc trưng của huyện Phú Vang.
Chị Rebecca, du khách đến từ Canada cho biết: “ Tôi thật sự ấn tượng với lối kiến trúc cổ ở đất nước các bạn. Nó tạo cảm giác hài hòa với thiên nhiên và cũng rất mộc mạc, giản dị. Đây là lần đầu tiên tôi đến với Huế và tôi yêu những món ăn độc đáo cùng sự mến khách của con người nơi đây”.
Chính vì những giá trị bất biến theo dòng chảy thời gian, năm 1995, đình Làng Dương Nổ đã được nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa, xếp công trình này vào loại cần được trùng tu, bảo tồn và phát triển.
Tin liên quan
Ngày 12/8/2024, "Tri thức may, mặc áo dài Huế" đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể tha...
Hải Vân Quan, nằm trên đỉnh đèo Hải Vân hùng vĩ, là một di tích lịch sử - văn hóa cấp...
Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn được gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân là cụm ...