"Đợi" ăn bánh canh "Bà Đợi" đúng chuẩn

"Đợi" ăn bánh canh "Bà Đợi" đúng chuẩn

Huế nổi tiếng với ẩm thực cung đình cao sang và mĩ vị, tuy nhiên món bánh canh bình dân này cũng có sức hấp dẫn khó cưỡng.

 

Huế là thiên đường ẩm thực giá rẻ, trong đó không thể bỏ qua bánh canh – món ăn phổ biến trong mọi khung giờ, có mặt ở mọi góc phố. Nếu bánh canh Nam Phổ gắn liền với truyền thống làng Nam Phổ, bánh canh Hàn Thuyên nhắc đến con phố đèn dầu độc đáo thì bánh canh bà Đợi cũng có sức hút riêng biệt với “thương hiệu” có tuổi đời hơn 30 năm. Cho đến nay món ăn này vẫn giữ được sự riêng biệt vốn có, dù năm tháng đi qua nhưng vẫn tồn tại và được rất nhiều người dân và khách du lịch yêu thích tìm đến.

Bà Đợi gốc nằm ven đường Đào Duy Anh, ở cuối một con hẻm nhỏ có một quán bánh canh không bảng hiệu. Cách gọi này khiến thực khách lầm tưởng rằng đây là món ăn do một người có tên là Đợi chế biến ra, nhưng thực chất nó mang ý nghĩa vô cùng thú vị. Quán ngày xưa hoạt động theo lối gia đình ít nhân công nên khách không đến ăn được ngay. "Đợi" đúng nghĩa đen, xuất phát từ chính bản chất của món ăn là phải đợi, gắn liền với thời gian chế biến cho đến khi được thưởng thức. Giai đoạn này chưa có nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ công việc, người ta phải làm thủ công từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Khách đến ăn phải đợi qua từng bước mới được thưởng thức, muốn ăn lại phải chờ, vì vậy người dân Cố đô đặt tên luôn món bánh canh này là Bà Đợi (người Huế quen gọi là mụ Đợi). Ngày nay, bánh canh bà Đợi có thêm 3 cơ sở khác: số 9 Nguyễn Trãi (nội thành Huế), 34 Ngô Gia Tự (từ Đống Đa rẽ vào) và 01 Dương Văn An.

Quán bánh canh Bà Đợi đầu tiên ở Huế với trên 30 năm tuổi đời.

Dì Hoa, chủ cơ sở bánh canh Bà Đợi - Ngô Gia Tự cho biết: “Món bánh canh này mang tính truyền thống, vì lúc xưa làm bằng công nghiệp, nên thời gian làm lâu, mỗi lần khách tới mình mới trộn bột, luộc chín, với lại nấu bằng than nữa nên người ta đi ăn thấy vậy mới đặt tên bánh canh Bà Đợi"

Cách chế biến và thưởng thức cũng đặc biệt chẳng kém gì cái tên. Ban đầu khi một tô bánh canh được bưng ra, có thể bạn sẽ ngỡ ngàng vì món ăn này trông quá đơn giản. Chỉ có chút sợi bánh, vài con tôm, vài miếng chả quế được đổ ngập nước dùng trong veo, hoàn toàn không có vẻ gì đậm đà như những điều người ta nói về ẩm thực Huế. Phần nhân chính của món ăn này là tôm tươi đem luộc rồi bóc vỏ, chả quết viên thành từng viên nhỏ rồi đem luộc chín. Chỉ vậy thôi là cũng đã quá khác biệt so với các loại bánh canh thông thường. Người Huế thích tự mình làm hấp dẫn cho tô bánh canh bằng hành lá xắt nhỏ, muối, tiêu cùng ít ớt chưng đặc biệt của quán. Việc có thể tự tăng giảm các loại gia vị như vậy khiến bánh canh bà Đợi là sự lựa chọn sáng suốt của nhiều du khách vốn chưa quen với khẩu vị miền Trung.

Vẻ bề ngoài của món bánh canh Bà Đợi.

Bánh canh thực sự có mùi vị rất riêng. Cái riêng đến từ cái sền sệt của bánh canh, từ cái ngọt từ tôm từ thịt của nước dùng và cả mùi thơm đặc trưng từ gia vị. Bà Đợi chỉ chế biến khi có khách đến gọi, lúc đó người làm mới cho bột đã cắt sẳn vào tô, chờ nước dùng sôi thì bỏ tôm, chả quết vào, món ăn được làm ngay tức thì nên tôm, chả còn tươi, khi ăn sẽ rất thơm, ngon.

Chả quết được cho vào cùng nước dùng lúc vừa sôi.

Tôm tươi được luộc và bóc vỏ sẳn trước.

Phần chả cá được nấu cùng với nước dùng.

Sợi bột của bánh canh được làm bằng công thức đặc biệt, pha trộn giữa bột gạo và bột lọc, khi ăn không có cảm giác dẻo, hay giòn mà lại dai dai. Dù bột được thái sợi dẹt như kiểu Quảng Bình chứ không nén khuôn sợi tròn, nhưng nước dùng thì đặc phong cách Huế. Nước dùng của bánh canh Bà Đợi ngọt thơm, ăn đến đâu cảm nhận vị ngọt của tôm thịt tươi ngon đến đấy, đến nỗi hiếm khi khách để dư nước như khi ăn nhiều món khác. Sợi bánh dai dai sền sệt nhờ tỷ lệ hòa bột chuẩn xác theo công thức gia truyền, sợi nào sợi nấy đều tăm tắp nhờ bột bánh cán mỏng, đều tay. Dì hoa cho biết: “Quán bán đông khách thường vào thời điểm họ ăn trưa hoặc tối và mọi lứa tuổi đều đến đây thưởng thức”. 

Loại bột được pha từ bột lọc và bột gạo, đảm bảo độ dai cho bánh canh.

Hành, ngò là nguyên liệu phụ không thể thiếu của món bánh canh.

Trứng cút luộc sẵn luôn dọn kèm món ăn, thực khách có thể cho bao nhiêu vào tô tùy sở thích. Ngoài ăn bánh canh, một đặc sản khác của quán là món trứng xổ. Thực ra chỉ là trứng cút chần trong nước dùng ngon ngọt nhưng cũng đủ trở thành một phần không thể thiếu trong khẩu phần ăn của những người sành ăn ở đây. Chia sẽ của bạn Nguyễn Việt Hoàng, sinh viên trường Đại học Khoa học sau lần đầu tiên trải nghiệm: “Mình cảm thấy rất ngon, cực kỳ ngon. Sợi bột ở đây đặc biệt lắm, dai dai ăn vào rất thích, thêm một chút hành và ớt vào làm món ăn rất tuyệt vời”.

Trứng cút xổ được ăn kèm với bánh canh Bà Đơị.

Dù thời gian có trôi qua bao nhiêu đi chăng nữa, bánh canh Bà Đợi vẫn giữ một hương vị đặc trưng không dễ gì quên được. Nguyên liệu đơn giản là thế nhưng chính điều đó lại đem lại cho món ăn này vị ngon chân chất nhất, vừa ngọt mát, lại pha chút đậm đà.

Tấn Nhật

Tin liên quan

Phố ẩm thực đêm mới ở Huế
Ẩm thực Huế
Phố ẩm thực đêm mới ở Huế

Chắc hẳn với những bạn học sinh, sinh viên sinh sống, học tập lâu năm ở Huế đều đã từ...

Tinh hoa ẩm thực Huế: Những loại bánh đặc sản và câu chuyện về Bánh Bà Thảo
Ẩm thực Huế
Tinh hoa ẩm thực Huế: Những loại bánh đặc sản...

Huế, cố đô của Việt Nam, không chỉ nổi tiếng bởi bề dày lịch sử và văn hóa mà còn bởi...

Thuận An: "Bột lọc, trứng gà, hành lá và thịt mỡ"
Ẩm thực Huế
Thuận An: "Bột lọc, trứng gà, hành lá và thịt...

Như bao vùng biển khác, ở Thuận An, cuộc sống của người dân cũng bắt đầu từ biển. Vậy...