Trúc Chỉ- mới lạ nghệ thuật từ tre

Trúc Chỉ- mới lạ nghệ thuật từ tre

Trúc Chỉ là một loại hình nghệ thuật mới của Huế. Chỉ với nguyên liệu tre và trải qua nhiều công đoạn chế tác đặc biệt, các nghệ phẩm được tạo ra rất độc đáo và có tính ứng dụng cao.

 

 



Trúc Chỉ là sự sáng tạo tinh tế của họa sĩ Phan Hải Bằng (giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật – Huế) và các cộng sự qua nhiều năm nghiên cứu, tìm hiểu và chế tác thử nghiệm.

“Trúc” là tre mà “Chỉ” là giấy, hiểu nôm na là một loại giấy được làm từ tre. Tuy nhiên gọi là giấy tre thì không hẳn bởi lẽ Trúc Chỉ là “giấy mà không hẳn giấy” là “tre nhưng không còn là tre” mà chính cái tinh thần, cảm xúc đã tạo nên sự khác biệt so với các loại giấy thông thường. Điều đó được thể hiện ngay trên những những nghệ phẩm độc đáo và có nhiều tính ứng dụng.



 
Nghệ thuật Trúc Chỉ đưa đến những bức tranh trong giấy độc đáo
 

Một trong những nghệ phẩm độc đáo của Trúc Chỉ 

 Mới lạ những “bức tranh trong giấy” và sự ứng dụng đa dạng
Nghĩ đến giấy, người ta thường suy nghĩ đơn giản đến giấy ăn, giấy viết hay các loại giấy dùng để in ấn. Nhưng Trúc Chỉ không nằm trong ranh giới của sự quen thuộc đó mà nó được tạo nên nhờ vào những bức tranh “trong” giấy. Hàng ngàn tờ Trúc Chỉ khi ra đời đã hoàn toàn không giống nhau, mà mỗi tờ lại là một tác phẩm nghệ thuật với nhiều bức tranh sáng tạo. Những bức tranh ấy càng được nổi bật hơn khi có sự can thiệp của nhiều loại ánh sáng chứ không như những loại giấy bình thường khác.
Các nghệ phẩm Trúc Chỉ không những có tính nghệ thuật tạo hình mà nó còn có tính ứng dụng thực tiễn. Với tinh thần sáng tạo, luôn đi tìm những cái mới, họa sĩ Bằng cùng các cộng sự luôn muốn Trúc Chỉ có sự kết hợp với các kỹ thuật chất liệu khác (in thủ công, vẽ, ánh sáng,…) hay sự kết hợp với các nghề truyền thống (thêu, đan lát, làm nón,…). Từ đó làm phong phú biên độ sáng tạo của người thiết kế, cũng như mong mỏi sự tiếp biến rộng hơn cho các làng nghề trong khu vực. 

Tiếp thu truyền thống để làm nên sự khác biệt

Dựa trên cơ sở quy trình làm giấy thủ công truyền thống, tre được sử dụng làm nguyên liệu chủ yếu. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở những công đoạn chế tạo giấy bình thường mà không có sự kết hợp với các phương thức tạo tác khác thì không thể gọi là Trúc Chỉ được.

Để tạo nên những nghệ phẩm mang dấu ấn riêng đòi hỏi phải qua nhiều quy trình phức tạp từ khâu bảo quản nguyên liệu cho đến tạo tác hoa văn và hoàn thành nghệ phẩm. Nhưng quan trọng hơn hết đó chính là sự kiên trì, tỉ mỉ và niềm đam mê của mỗi nghệ nhân tham gia chế tác.

 Chị Ngô Đình Bảo Vi (Quản lý phòng trưng bày) cho biết: chính những ứng dụng đó mà trong Festival Nghề truyền thống 2015 sắp tới được diễn ra tại Huế, Trúc Chỉ sẽ có nhiều triển lãm theo chủ đề để giới thiệu đến người dân cũng như bạn bè quốc tế về một nét văn hóa mới của địa phương và khu vực.Tiếp thu truyền thống để làm nên sự khác biệt.

 

Trúc Chỉ – Phép cộng và sự trở về

Dựa vào sự kết hợp của nhiều ý tưởng sáng tạo, nhiều kỹ thuật chế tác trên nền tảng truyền thống, Trúc Chỉ chính là sự giao thoa, hòa quyện và tiếp nối giữa quá khứ với hiện tại. Như họa sĩ Bằng đã chia sẻ: “Khi làm Trúc Chỉ với tiêu chí phép cộng, chúng tôi luôn ý thức cộng thêm vào và kết nối với những nghề thủ công truyền thống hiện đang có ở Huế. Để tạo nên một giá trị mới nhưng vẫn lưu giữ được những nét đẹp truyền thống của dân tộc”.

Dáng vẻ cây tre luôn gợi nhớ đến một hình ảnh thân thuộc, mộc mạc của làng quê Việt Nam. Trúc Chỉ vừa là linh hồn của tre vừa là câu chuyện của một người Việt với mong muốn thay đổi cách nhìn mới về cây tre Việt dưới một ánh sáng mới để tạo dựng niềm tự hào văn hóa. Có lẽ thế mà Trúc Chỉ không những mang hơi thở, dáng dấp của quá khứ mà còn tiếp tục đi tìm những cái mới, dựa trên nền tảng mà quá khứ tạo nên.

 

 

 

Nhiều bức tranh có thể biến đổi tùy vào màu ánh đèn để làm nên nét đặc trưng cho Trúc Chỉ

 

Bưu thiếp, sổ tay, nón, hộp đựng trang sức,… đều là những nghệ phẩm có tính ứng dụng cao nhờ vào sự kết hợp tinh tế của Trúc Chỉ

 



Với tâm thức về cội nguồn và cộng hưởng những điều mới lạ, họa sĩ Bằng cùng các cộng sự vẫn luôn nỗ lực trên con đường khẳng định chỗ đứng cho Trúc Chỉ qua các dự án mới hay các buổi triển lãm để nó được hiện diện không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong cả đời sống của mỗi con người.

 

 
 

 

Hoa văn trên những chiếc đèn nến Trúc Chỉ nổi bật lên trên nhiều loại ánh sáng 

 

Độc đáo với những bức tranh có họa tiết nổi 

 
 

Công đoạn làm Trúc Chỉ: Tre được bỏ vỏ và chẻ thành từng mảnh. Cho ngâm vào nước vôi rồi đưa vào lò nấu 12 tiếng đồng hồ liên tục. Tiếp đến, cho vào máy nghiền thành bột khoảng 4 –8 tiếng 

 

Sau đó là công đoạn xeo giấy và chế tác với hoa văn được tạo khuôn sẵn 

 

Để tạo tác “hoa văn chìm” trong từng tấm Trúc Chỉ, phương pháp được sử dụng là Trúc Chỉ graphy – vẽ bằng cây bút nước. Sau đó, Trúc Chỉ trên khuôn xeo được mang đi phơi, hoặc sấy để làm khô 

 

Những hoa văn luôn thể hiện hình ảnh thân thuộc, giản dị về đời sống của con người Việt Nam

http://dantri.com.vn/

Tin liên quan

Không gian điêu khắc Điềm Phùng Thị bên dòng Hương Giang
Nghệ thuật & Giải trí
Không gian điêu khắc Điềm Phùng Thị bên dòng ...

Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị là một điểm đến vô cùng lý tưởng, không thể bỏ lỡ...

Ca Huế trên sông Hương
Nghệ thuật & Giải trí
Ca Huế trên sông Hương

Ca Huế trên sông Hương từng là thú vui tao nhã của các hoàng thân và quan chức trong ...

Âm sắc hoàng cung
Nghệ thuật & Giải trí
Âm sắc hoàng cung

Hoàng Cung Huế.... trang nghiêm, hoa lệ, Hoàng Cung... lộng lẫy và hoành tráng.Chương...