Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị là một điểm đến vô cùng lý tưởng, không thể bỏ lỡ đối với những ai yêu thích nghệ thuật. Nơi đây, trưng bày các tác phẩm nổi tiếng của nhà điêu khắc tài ba Điềm Phùng Thị. Bên cạnh đó, nó còn mang nét đẹp phong cách kiến trúc Pháp độc đáo.
Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị tọa lạc tại số 17 Lê Lợi, phường Phú Nhuận, thành phố Huế. Chiếm giữ vị trí đắc địa bên dòng sông Hương thơ mộng cũng khiến ta hiểu rõ được giá trị nghệ thuật vô cùng quan trọng của nó. Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị là một trong ba không gian trưng bày nghệ thuật của Bảo tàng Mỹ thuật Huế, bao gồm Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị, Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng và Không gian trưng bày Mỹ thuật Huế.
Điềm Phùng Thị tên thật là Phùng Thị Cúc (1920 - 2002). Quê ở xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh nhưng bà được sinh tại làng Châu Ê, xã Thủy Bằng, thành phố Huế. Bà là con gái ông Phùng Duy Cẩn từng làm quan triều Nguyễn, có thời làm tham công chỉ huy việc xây Lăng Khải Định.
Điềm Phùng Thị là nhà điêu khắc tên tuổi lớn của thế giới. Bà là một trong hai nghệ sĩ tiêu biểu của Châu Á được ghi danh vào từ điển LaRousse, là tài năng lớn của nghệ thuật thế kỷ XX. Ngoài ra, bà còn là Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Châu Âu. Bà từng tốt nghiệp Nha khoa tại trường Đại học Y khoa Hà Nội và đi theo kháng chiến. Toàn quốc kháng chiến, bà ra vùng tự do phục vụ cách mạng. Vì bị bệnh, Phùng Thị Cúc được đưa sang Pháp điều trị. Sau khi khỏi bệnh, bà tiếp tục học và tốt nghiệp nha khoa tại Pháp. Từ đây Phùng Thị Cúc đã kết hôn với người đồng nghiệp ông Bửu Điềm. Tên Điềm Phùng Thị cũng ra đời từ đó.
Tòa nhà được xây dựng vào năm 1940, là một trong 27 công trình vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đưa vào danh mục kiến trúc Pháp tiêu biểu tại thành phố Huế. Nơi đây đang trưng bày và lưu giữ 367 tác phẩm nghệ thuật (491 hiện vật) với nhiều thể loại, chất liệu độc đáo của nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị tặng cho nhân dân thành phố Huế.
Nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị là một người con xa quê với tấm lòng luôn hướng về quê hương, đất nước, mong muốn đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Bà đã đưa những tác phẩm, những đứa con tinh thần của mình về trưng bày ở Huế và trao tặng cho nhân dân vùng đất Cố đô. Vượt qua những khó khăn, trở ngại ban đầu, bà được sự ủng hộ và chung tay của một số văn nghệ sĩ, trí thức, cá nhân yêu mến nghệ thuật. Năm 1993, bà cùng với Lãnh đạo thành phố Huế đã thành lập Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị tại số 01, đường Phan Bội Châu, thành phố Huế.
Trải qua 25 năm không quá dài nhưng đủ thắm cho một nhân cách tài hoa, nghệ thuật sáng tạo Điềm Phùng Thị tỏa sáng trên vùng đất cố đô Huế và lan tỏa đến khắp các châu lục trên thế giới qua những tác phẩm của bà. Nhằm tiếp tục phát huy giá trị nghệ thuật Điềm Phùng Thị đến với công chúng, du khách đồng thời thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc hình thành không gian văn hóa nghệ thuật của tỉnh trên trục đường Lê Lợi, Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị được di dời về địa điểm mới tại số 17, đường Lê Lợi, thành phố Huế từ tháng 4/2018.
Các tác phẩm của Điềm Phùng Thị có đặc điểm là không góc cạnh, luôn có những đường cong để làm mềm những mắt xích nối ghép, gợi người xem nhớ về mẹ, về quê hương, về nguồn gốc vạn vật... thể hiện sâu sắc khát vọng Chân - Thiện - Mỹ của con người mang đậm phong cách hiện đại, vừa gần gũi với tâm tình Á Đông và tâm tình của con người Việt Nam.
Đặc biệt, sự độc đáo của nghệ thuật Điềm Phùng Thị đã sáng tạo ra một loại hình điêu khắc trên cơ sở lắp ghép và biến tấu bảy mô đun hình học. Nhà phê bình nghệ thuật Raymond Cogniat gọi là mẫu tự, còn giáo sư Trần Văn Khê thì gọi là 7 nốt nhạc: "Khi thấy 7 mô hình chị sáng tạo, tôi đã nghĩ rằng 7 mô hình ấy như 7 nốt nhạc để cho người nhạc sĩ lấy đó mà tạo thành nhạc khúc. Thế giới đã đón chị, bao nhiêu danh vọng từ bốn phương không làm chị “say danh say lợi” mà lúc nào cũng để lòng chị say tình dân tộc".
Từ trong đống những mẫu vụn ấy, bà đã chọn ra được 10 ký hiệu, rồi qua quá trình tiến hóa dưới bàn tay khéo léo và tài hoa của Điềm Phùng Thị, bảng mẫu tự ấy đã cô đọng lại với 7 chữ cái. Với 7 chữ cái độc đáo đó, Điềm Phùng Thị đã lắp ghép, đã biến hóa thành muôn vàn hình tượng và thành một thế giới Điềm Phùng Thị đậm đặc phong vị và triết lý phương Đông.
Năm 2002, bà đã đến với "thế giới vĩnh hằng". Điều trân quý là bà đã để lại cho nền điêu khắc thế giới, cho nhân loại một khối di sản nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Và hơn thế bà đã dâng tặng cho Huế, cho đất nước Việt Nam một di sản văn hóa vô cùng quý báu để đời đời hậu thế được chiêm ngưỡng và kính vọng.
► Thời gian mở cửa: 7h30 - 11h30 và 13h00 - 17h00 (tất cả các ngày trừ thứ 2)
► Giá vé: 300.000 đồng/người lớn, 200.000 đồng/trẻ em từ 6 đến 12 tuổi
Tin liên quan
Ca Huế trên sông Hương từng là thú vui tao nhã của các hoàng thân và quan chức trong ...
Hoàng Cung Huế.... trang nghiêm, hoa lệ, Hoàng Cung... lộng lẫy và hoành tráng.Chương...
Trúc Chỉ là một loại hình nghệ thuật mới của Huế. Chỉ với nguyên liệu tre và trải qua...