Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn được gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân là cụm quần thể kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa, tâm linh, lịch sử.
Trung tâm văn hóa Huyền Trân hay còn được gọi là đền thờ công chúa Huyền Trân là cụm quần thể kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa, tâm linh, lịch sử. Nơi đây từ lâu đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng tại Huế mang trong mình đậm chất tâm linh với cảnh vật đậm chất thiền, nhưng vẫn giữ được sắc thái gần gũi từ những hình ảnh gắn liền với Phật giáo cũng như văn hóa Huế.
Ảnh: Lendang
Nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc phường An Tây – Tp.Huế, là cụm quần thể kiến trúc mang đậm màu sắc văn hóa và tâm linh, lịch sử.
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân nằm cách Tp.Huế khoảng 7km về phía tây, nơi đây có tổng diện tích rộng hơn 28ha. Đây không chỉ là điểm du lịch về văn hoá, tâm linh, đây còn là một điểm du lịch lịch sử, đưa khách tham quan trở về với một sự kiện lịch sử trọng đại trong công việc bảo vệ và mở rộng bờ cõi của đất nước ta vào thời Trần thế kỷ 14.
Ảnh: dulichhue
Theo sử củ có ghi lại, vua Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Simhavarman III) đã đem hai châu Ô, châu Lý dâng lên vua Trần để làm sính lễ để cưới Công chúa Huyền Trân. Công chúa Huyền Trân đã vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, đành gác lại tình riêng để xuống thuyền theo chồng, lập mối quan hệ hòa hiếu và mở rộng bờ cõi của đất nước về phương Nam. Vùng đất xứ Thuận Hóa – Phú Xuân cũng được khai sinh từ đó, đến ngày nay đã hơn 700 năm.
Ảnh: Lendang
Vào thời nhà Nguyễn để tưởng nhớ công ơn của Công chúa, vua Gia Long đã cho lập miếu Đại Đế Vương tại làng Lịch Đợi – phường Đúc – TP Huế, thờ những đại thần có công trong việc khai lập ra nhà Nguyễn, trong đó có Công chúa Huyền Trân. Thật tiếc rằng ngôi miếu này đến nay không còn nữa. Và nhân dịp kỷ niệm 700 năm vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân, năm 2006, Trung tâm Văn hóa Huyền Trân đã được khởi công xây dựng nhằm tưởng nhớ công ơn của công chúa đã có công trong việc mở mang bờ cõi nước Việt.
Ảnh: Toquoc.vn
TT-VH Huyền Trân là một cụm quần thể kiến được bao quanh bốn bề là trùng điệp đồi núi, có không gian phong cảnh hữu tìnhv và thâm nghiêm. Từ phía ngoài đi vào là bốn trụ biểu lớn, dưới chân có đặt nghê đá phục chầu, tiếp đó là 3 bậc sân khá rộng được lát bằng gạch Bát Tràng, có cả hồ nước và cây cầu nhỏ bắc qua tương tự như cây cầu Trung Đạo được bắc qua hồ Thái Dịch trước điện Thái Hòa trong kinh thành Huế; tiếp đến nữa là khu vực tam quan và trong cùng là đền thờ Huyền Trân Công chúa. Tất cả các công trình đều nằm trên một trục thẳng.
Ảnh: Phượt
Phía bên trong đền thờ có pho tượng mô phỏng Công chúa Huyền Trân ngồi trên ngai được đúc bằng đồng. Tượng cao 2.37m, được đúc bởi các nghệ nhân nổi tiếng của phường Đúc, Tp.Huế. Hậu điện có thờ Đoàn Nhữ Hài, người được cho đã soạn biểu giúp gỡ tội cho vua Trần Anh Tông thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thượng hoàng Nhân Tông, ông còn là vị quan của người Việt đầu tiên theo lệnh vua vào trấn giữ 2 châu Ô, Lý khi 2 châu này được từ Chiêm Thành sát nhập vào Đại Việt…
Trong khuôn viên TT-VH Huyền Trân còn có nhiều công trình kiến trúc khác, như là: Tháp chuông Hòa Bình có chiều cao 7m và được dựng trên đỉnh Ngũ Phong cùng với một chuông đồng khác nặng 1.6 tấn và cao 2.16m do những nghệ nhân phường Đúc chế tác. Tiếng chuông ngân lên như lan toả vào cõi nhân gian tĩnh lặng mang lại cho con người những phút giây thư thái và bình yên. Trên con đường đi lên Tháp chuông Hòa Bình, bạn sẽ còn gặp bức tượng Phật Di Lặc khổng lồ với nụ cười viên mãn thường trực trên môi.
Ảnh: Thuathienhue
Bên cạnh đó, để tưởng nhớ vị sư tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm – Đức Vua Trần Nhân Tông, Trung tâm Văn hoá Huyền đã tiến hành xây dựng hoàn chỉnh để nơi này trở thành một khu du lịch văn hoá tâm linh, một địa chỉ du lịch Thiền của quốc gia. Nơi đây còn có một số hạng mục công trình khác như: Nhà thư pháp; Nhà phong lan, Thiền đường, Thư viện để lưu giữ và nghiên cứu chủ yếu các tài liệu về vua Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Huyền Trân Công Chúa… cùng các nhân vật anh hùng khác dưới triều đại nhà Trần và Thiền phái Trúc Lâm qua các Triều đại, văn hoá Huế và lịch sử văn hoá kiến trúc của Chămpa,…
Hàng năm cứ vào ngày 9/1 âm lịch hàng năm, tại đây sẽ diễn ra Lễ hội Đền Huyền Trân, với sự tham dự của hàng ngàn du khách và người dân địa phương nhằm tri ân bao lớp tiền nhân có công mở mang bờ cõi.
Tin liên quan
Ngày 12/8/2024, "Tri thức may, mặc áo dài Huế" đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể tha...
Hải Vân Quan, nằm trên đỉnh đèo Hải Vân hùng vĩ, là một di tích lịch sử - văn hóa cấp...
Ở vùng ven thủ phủ Phú Xuân xưa vẫn còn hiện hữu những công trình kiến trúc ghi dấu m...