Không phải xa lạ, cũng chẳng chút cầu kì, nhưng không biết tự lúc nào, mì Trường Tiền lại trở thành một nét đặc trưng riêng không thể thiếu trong danh mục những món ngon của ẩm thực Cố đô.
Không phải xa lạ, cũng chẳng chút cầu kì, nhưng không biết tự lúc nào, bánh mì Trường Tiền lại trở thành một nét đặc trưng riêng không thể thiếu trong danh mục những món ngon của ẩm thực Cố đô. 10 giờ đêm ở Huế hiếm hàng quán nào còn sáng đèn, nhưng đây mới là giờ cao điểm của một gánh bánh mì nổi tiếng. Nơi này không có bất kỳ biển hiệu nào, do đó thực khách vẫn quen gọi bằng cái tên “bánh mì chân cầu”.
Bánh mì là món ăn chính của phương Tây, có lẽ xuất hiện ở xứ ta trước cái mốc 1859, nhưng được biết đến nhiều là sau khi đội quân viễn chinh chiếm thành Gia Định. Loại thức ăn này tồn tại trong cái nhìn của dân ta là bánh – hiểu là món ăn chơi, không phải là thực phẩm thường xuyên như cơm, thế nhưng dần dà đã trở thành “cơm tay cầm”, tức không ăn bằng chén đũa và ăn bánh mì thay cơm được định danh theo kiểu nói lóng là “thổi kèn”, hàm nghĩa là ăn tùng tiệm qua bữa, không đầy đủ đàng hoàng như bữa cơm thường lệ. Thế mà đến nay, các loại bánh mì đều có đủ mặt (bánh mì rế, bánh mì đũa, bánh mì cóc…) và việc ăn bánh mì có nhiều biến tấu đa dạng.
Khởi thủy của bánh mì Huế cũng như tất cả bánh mì ổ ở Việt Nam chính là bánh mì Baguette do người Pháp mang đến những năm đầu thế kỷ 19. Những sự biến đổi về hình thức cũng như chất lượng đến cách chế biến phong phú cho bánh mì Cố đô đã nói lên nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của người dân nơi đây. Nếu những ai thường xuyên phải đi học, đi làm ngang qua con đường Lê Lợi thì chắc sẽ có ít nhất một lần thắc mắc tại sao mái đình nhỏ bên bờ Nam sông Hương, cạnh chân cầu Trường Tiền đêm nào cũng đông nghịt người như lễ hội? Ở địa điểm này, dù là ngày nắng hay ngày mưa, thì cũng gần chục năm nay, có bốn người phụ nữ trạc tuổi mẹ, tuổi bà với gánh hàng bánh mì ấm nóng, in bóng dáng vào tâm trí những người dân xứ Huế với tên gọi của chiếc cầu nổi tiếng cạnh bên.
“Bánh mì chân cầu”.
Không khí Huế về đêm bên quán mì quen thuộc.
Bánh mì Trường Tiền mang dáng vẻ, hương vị riêng của mình. Đúng với kiểu cách “ăn hương ăn hoa” ở Cố đô, bánh mì ở đây cũng khá bé và nhân không quá đầy đặn, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon. Khách hàng thường gọi hai chiếc để ăn cho bõ, bởi có những lúc phải đợi nửa tiếng mới có bánh. Bánh được nướng trên lửa than, lớp vỏ nóng hổi, giòn rụm, lại không bị vụn bởi ruột bánh khá đặc. Hiếm có một nơi nào ở Huế có gánh mì với nhiều loại nhân như ở đây: từ patê, thịt nướng, thịt nguội, chả lụa, chả da, đến tré, nem, trứng... và dĩ nhiên, mỗi loại nhân đều mang một vị đặc trưng riêng.
Nhân bánh mì hết sức chất lượng
Tuy chỉ là thức ăn nhẹ nhưng bánh mì là món ăn đòi hỏi một quá trình chế biến khá công phu, với nhiều công đoạn khác nhau. Chỉ khi được cầm trên nay chiếc bánh nóng hổi với rất nhiều nhân bên trong bạn mới cảm thấy món ăn ăn này hấp dẫn đến nhường nào. Nếu thiếu một trong số đó, ổ bánh mì sẽ mất đi hương vị thơm ngon. Những nồi thịt với màu sắc sánh quyện còn đang bốc hơi trên bếp than đỏ lừng, vị mặn lẫn ngọt đặc trưng của thịt ba chỉ thấm mặn mà gia vị. Thịt ở đây hầu như là thịt nạc chứ không mỡ như ở nhiều nơi, các loại chả cũng mang mùi thơm nhẹ, có vị nồng của thịt hòa với mùi lá gói… Bên cạnh thịt chả, pate cũng là nguyên liệu đóng góp một phần hương vị đặc trưng cho bánh mì Trường Tiền. Patê ở đây thơm lừng và béo ngậy, mang chút cay được coi là “màu sắc” ẩm thực riêng của Huế. Ngoài ra, còn có các nguyên liệu đi kèm như: giăm bông, thịt nguội, rau răm sẽ khiến bánh mì không bị ngán; khác với nước sốt thịt ở những nơi khác, nước sốt ở đây nêm nếm thêm cho thật vừa miệng, vì vậy mà có vị ngon ngọt tuyệt vời.
Cắn miếng bánh, bạn sẽ khó quên khi cảm nhận được độ giòn rụm của vỏ bánh mì vẫn còn ấm, miếng thịt hòa cùng nước sốt có vị mặn vừa phải cùng độ tươi giòn từ các loại rau. Chính vì thế, nơi đây luôn là địa chỉ quen thuộc trong thiên đường ẩm thực phong phú ở Cố đô.
Những cánh tay thoăn thoắt phục vụ thực khách
Thiếu một trong số nguyên liệu, ổ bánh mì sẽ mất đi hương vị thơm ngon
Chỉ với 7.000đ tới 8.000đ, bạn đã có thể cầm trên tay ổ bánh mì nhỏ nhắn nhưng đầy chất lượng, lại dùng kèm với ly nước đậu nành hay đậu xanh ở hàng nước cạnh bên thì đúng là một sự kết hợp trên cả tuyệt vời. Từ độ 8h tối đến gần 3h sáng hôm sau, có những khoảng đường phố đã vắng tênh nhưng những cô, những dì bán hàng vẫn chẳng ngơi tay lúc nào, ấy mới biết được sức hấp dẫn và sự “thống trị” của thức quà bình dân trong đêm khuya tại thành phố “đi ngủ sớm”.
Nếu như bạn là một khách phương xa ghé về thăm Huế, thì đừng vội cho rằng Huế buồn và nhàm chán. Bên chân cầu Trường Tiền vẫn còn một khu phố ẩm thực nhỏ với gánh mì đêm. Còn bạn là một người Huế, đừng quên tìm về đây để thưởng thức hương vị ấm áp của thành phố vể đêm, cũng như có thêm một điểm đến mới mẻ giới thiệu cho bè bạn thập phương khi tới với thành phố xinh đẹp này.
Tin liên quan
Những món ăn ở mảnh đất cố đô thường thể hiện sự cầu kỳ, tinh tế với cách chế biến th...
Nhiều món ăn đường phố giống Hàn Quốc, nay đã có mặt tại Huế, khiến đông đảo các bạn ...
Mâm cơm gia đình dành cho những người xa nhà, hay những ngày bận rộn thiếu vắng bữa c...
Được biết đến là món ăn dân dã, phổ thông đến từ miền Bắc, bún đậu mắm tôm...