Chương trình tọa đàm, giao lưu văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam - Nhật Bản

Chương trình tọa đàm, giao lưu văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam - Nhật Bản

Sáng 11/11/2024 tại Khách sạn Villa Huế - Trường cao đẳng du lịch Huế đã diễn ra Chương trình tọa đàm, giao lưu văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam - Nhật Bản

Ẩm thực Việt Nam và Nhật Bản được xem là nằm trong số những nền ẩm thực nổi tiếng nhất thế giới. Mỗi nền ẩm thực đều rất phong phú về hương vị, truyền thống hay kỹ thuật chế biến.

Văn hóa ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng không chỉ vì sự cầu kỳ, tinh tế trong cách chế biến, bài trí món ăn mà còn bởi chất lượng, sự an toàn cùng hương vị riêng của món ăn mang lại. Đặc trưng văn hóa ẩm thực Nhật Bản nổi bật với những món ăn đơn giản hóa cách chế biến, nhưng vẫn rất tinh tế, mang nhiều ý nghĩa tượng trưng cũng như nhiều quy chuẩn ăn uống độc đáo.

Ông Phạm Bá Hùng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Huế phát biểu khai mạc chương trình toạ đàm

Văn hóa ẩm thực Việt Nam về cơ bản được chia ra thành ba miền Bắc - Trung - Nam; mỗi một vùng miền tạo ra những đặc trưng, hương vị riêng. Trong đó, ẩm thực Huế  vẫn còn lưu giữ những giá trị tinh túy, cầu kỳ và độc đáo như ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay. Đặc biệt, ẩm thực dân gian xứ Huế không đơn thuần là món ăn; đó còn là lối sống, là suy nghĩ, là tâm tình, là sự sáng tạo của con người Huế theo dòng chảy thời gian về cách chế biến và cách thưởng thức vô cùng đa dạng.

Ẩm thực ngày Tết của Việt Nam thể hiện thống nhất trong đa dạng. Đi dọc hết đất nước Việt Nam mỗi một vùng miền khi chúng ta dừng lại thì chúng ta sẽ được đón chào bằng những món ngon trong ngày Tết. Chẳng hạn như cái Tết của miền Bắc thì luôn luôn không thể thiếu đó là chiếc bánh chưng xanh ăn kèm với dưa hành. Bên cạnh đó ở miền Bắc còn có thịt đông rất đặc biệt, giò heo hầm với măng lưỡi lợn hoặc là miến nấu với lòng gà. Còn khi về miền Trung thì ẩm thực miền Trung ngày Tết chuộng sự cầu kỳ tỉ mỉ, cho nên những món Tết của miền Trung được chăm chút rất kỹ lưỡng. Miền Trung thì không có bánh chưng, nhưng thay vào đó là bánh tét do sự giao thoa văn hóa với người Chăm và bánh tét hình trụ tròn cũng là thể hiện cho trời tròn. Trong văn hóa của người miền Trung thì ngày Tết bánh tét sẽ được ăn kèm với dưa món. Món ăn đặc trưng của miền Trung ngày Tết chẳng hạn như chả nem chua, tré hoặc gỏi.

Còn xuôi về miền Nam thì ẩm thực ngày Tết của miền Nam hết sức phong phú, có nhiều loại bánh tét như bánh tét nhân mặn, bánh tét nhân ngọn, bánh tét thập cẩm, bánh tét lá cẩm, bánh tét lá gấc, bánh tét ngũ sắc. Ở miền Nam một món không thể không nhắc đến đó là thịt kho nước dừa và ăn cùng với dưa giá. Cũng không thể không nhắc đến món khổ qua mong những đau khổ và những điều tai ương trong một năm sẽ trôi qua.

Ông Nguyễn Văn Phúc, giám đốc sở du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế tại buổi toạ đàm và giao lưu 

Dịp Tết ở Nhật là khoảng thời gian để người dân xứ Phù Tang đoàn viên bên chiếc bàn sưởi kotatsu, theo dõi các chương trình đặc sắc trên tivi và thưởng thức những món ăn ngày Tết đầy ý nghĩa. Một truyền thống rất thú vị ở nước Nhật là cùng nhau ăn các món ăn ngày tết để tỏ lòng biết ơn và cầu chúc cho một năm mới an khang và thịnh vượng. 

Osechi sẽ bao gồm rất nhiều món khác nhau đựng trong chiếc hộp sơn mài nhiều tầng được gọi là Jubako. Người Nhật Bản có một quan niệm rất thú vị về chiếc hộp sơn mài Jubako đó là nếu đựng những món ăn ngày tết trong chiếc hộp này thì sẽ mang lại nhiều phước lành cho năm mới. Vì Osechi chính là những món ăn dâng lên các vị thần năm mới và được xem như một loại bùa may để cầu mong hạnh phúc cho gia đình. Vậy nên việc đặt các món ăn cầu may này trong chiếc “Jubako” – sẽ còn mang ý nghĩa “May mắn chồng may mắn” và “Hạnh phúc chồng hạnh phúc”.

Thông thường, một hộp Jubako gồm có 4 khay, mỗi khay sẽ chứa những món ăn khác nhau và tượng trưng cho một điều phước lành:

Ichi no Ju: khay đầu tiên trong cỗ tết Osechi chính là những món ăn để thưởng thức cùng rượu như Kuromame (đậu đen bung), Kazunoko (trứng cá trích muối), Tazukuri (cá sấy)… thay cho lời chúc năm mới an lành.

Ni no Ju: khay thứ hai sẽ tập trung vào những món ngọt dịu như Kobumaki (rong biển cuộn), Kurikinton (bánh làm từ hạt dẻ), Datemaki (trứng cuộn)…

Nghệ nhân tinh hoa ẩm thực Việt Nam Mai Thị Trà giới thiệu về món ăn ngày tết cổ truyền Việt Nam

"Chương trình Tọa đàm, giao lưu văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam - Nhật Bản" được tổ chức với sự tham dự và chia sẻ đặc biệt của chuyên gia ẩm thực Nhật Bản Shigenobu Hatsue, Nghệ nhân tinh hoa ẩm thực Việt Nam Mai Thị Trà và Bác sĩ Đỗ Thị Mỹ Châu với mong muốn sẽ là dịp kết nối và lan tỏa tinh hoa, văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền của Huế, của Việt Nam và Nhật Bản, góp phần củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai quốc gia; đồng thời tiếp tục góp phần vào việc quảng bá thương hiệu Huế - Kinh đô Ẩm thực của Việt Nam trên tiến trình đưa Huế trở thành một trong những thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực sáng tạo ẩm thực vào năm 2025. Chương trình do Hội hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với trường Cao đẳng Du lịch Huế tổ chức.

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe 2024 - Wellness Tourism Weekend
Tin tức
Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe 2024 - Well...

Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Fe...

2 đơn vị du lịch đạt giải cao tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024
Tin tức
2 đơn vị du lịch đạt giải cao tại cuộc thi Kh...

Nhằm khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho tổ chức, nhó...

KHAI MẠC KHÔNG GIAN NGUYỄN VĂN HÈ’S ART BARRACKS
Tin tức
KHAI MẠC KHÔNG GIAN NGUYỄN VĂN HÈ’S ART BARRA...

Vào tối qua, ngày 06/11/2024, đã diễn ra Lễ Khai mạc không gian Nguyễn Văn Hè's Art B...

Đẩy nhanh hoàn thiện trùng tu Điện Thái Hòa
Tin tức
Đẩy nhanh hoàn thiện trùng tu Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế xưa. Đây cũn...