Đẩy nhanh hoàn thiện trùng tu Điện Thái Hòa

Đẩy nhanh hoàn thiện trùng tu Điện Thái Hòa

Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế xưa. Đây cũng là nơi 13 vị vua nhà Nguyễn làm lễ đăng quang, từ vua Gia Long đến vua Bảo Đại.

Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn. Đây là nơi Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng của triều đình.

Khối lượng công việc không còn nhiều nhưng đều là các họa tiết nhỏ, cần độ chính xác cao nên các nghệ nhân phải làm rất tỉ mỉ. Các nghệ nhân nhiều khi chấp nhận làm việc cả ban đêm để kịp hoàn thành công việc.

 

Với hơn 200 năm tồn tại, trải qua nhiều lần tu bổ, trùng tu nhưng Điện Thái Hòa vẫn bị xuống cấp nghiêm trọng. Vào cuối năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã khởi công Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa với tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động khác.

Một hướng dẫn viên du lịch cho biết: “Trong quá trình đẫn khách đi tham quan ở Kinh thành Huế, mỗi khi tôi dẫn khách đi ngang qua điện Thái Hòa đang trùng tu thì du khách cũng có mong muốn Điện Thái Hòa sẽ sớm đưa vào hoạt động để du khách có thể tham quaan. Đây là điểm tham quan rất là độc đáo mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Kinh thành Huế”.

Sự kỳ công của các nghệ nhân đã phục dựng lại gần như hoàn chỉnh các chi tiết sơn son thếp vàng trong nội điện

Điện Thái Hòa được tu bổ, gia cường nền móng, phục hồi nền lát gạch, bậc cấp đá Thanh Hoá, tường gạch, phục hồi màu sắc nguyên trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, hệ vách ván, cửa bằng gỗ; sơn son thếp vàng; mái lợp ngói; bờ mái và con giống khảm sành sứ; hệ thống trang trí pháp lam... Dự án cũng tiến hành tu bổ, phục hồi ngai vàng, bửu tán và các đồ nội thất; tu bổ, gia cường, cân chỉnh toàn bộ sân nền khuôn viên Điện, hệ thống tường chắn đất, phục hồi lan can; tôn tạo vườn cây, tiểu cảnh; hệ thống điện chiếu sáng… các đơn vị tranh thủ thời gian để đẩy nhanh tiến độ đảm bảo hoàn thành vào cuối tháng 11 tới.

Toàn bộ các họa tiết trang trí, sơn son thếp vàng đều được làm thủ công, đòi hỏi các nghệ nhân có tay nghề cao, không cho phép có sai sót.

Chong đèn làm vệ sinh thật kỹ bề mặt để chuẩn bị thếp vàng

Những nghệ nhân trong đêm vẫn cần mẫn tỉ mỉ với những hoạ tiết bằng tay

Biểu tượng rồng trên những cây cột trong điện Thái Hoà được vẽ bằng tay đặc biệt tinh xảo

Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc tiêu biểu của di tích Cố đô Huế còn được lưu giữ nguyên vẹn cho đến nay. Đây không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ, theo hình thức trang trí “nhất thi, nhất họa” độc đáo đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sau gần 3 năm "đại trùng tu", điện Thái Hòa - công trình có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn đã dần lấy lại hình hài và đợi ngày hoàn thiện, đón khách tham quan.

Mục tiêu lớn nhất của Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa là phải bảo đảm yếu tố gốc của di tích. Do vậy, trước khi hạ giải công trình này, Trung tâm Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã thực hiện scan 3D, dựng lại Điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật của những cấu kiện đang tồn tại nhằm lưu giữ lại yếu tố gốc làm cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu. Dự án này thuộc nhóm B, theo quy định là 4 năm từ ngày khởi công đến khi bàn giao vào sử dụng. Nhưng, đối với điện Thái Hòa là điểm đến của tất cả du khách thì đơn vị thi công dồn hết nguồn lực, kinh nghiệm vào công trình này.

Các nữ nghệ nhân đang khéo léo hoàn thiện hệ hoa văn trên hệ thống vỉ kèo mái của điện Thái Hòa trong đêm

Một góc nhìn Lầu Ngũ Phụng từ điện Thái Hoà mà không phải ai cũng được nhìn.

Hệ thống kèo cột đẹp lung linh sau khi được thếp vàng

Công tác hoàn thiện đang được đẩy nhanh và đảm bảo các quy định trong công tác bảo tồn di sản, để di tích điện Thái Hòa sẽ được mở cửa đón khách tham quan vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11) sắp tới.

Lê Huy Hoàng Hải - Ảnh Team Di Sản Huế

Tin liên quan

Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe 2024 - Wellness Tourism Weekend
Tin tức
Tuần lễ du lịch Chăm sóc sức khỏe 2024 - Well...

Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Đông - “Mùa Đông xứ Huế” (diễn ra từ tháng 10 - 12) của Fe...

2 đơn vị du lịch đạt giải cao tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024
Tin tức
2 đơn vị du lịch đạt giải cao tại cuộc thi Kh...

Nhằm khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho tổ chức, nhó...

Chương trình tọa đàm, giao lưu văn hóa ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam - Nhật Bản
Tin tức
Chương trình tọa đàm, giao lưu văn hóa ẩm thự...

Sáng 11/11/2024 tại Khách sạn Villa Huế - Trường cao đẳng du lịch Huế đã diễn ra Chươ...

Khai mạc Không gian Nguyễn Văn Hè's Art Barracks
Tin tức
Khai mạc Không gian Nguyễn Văn Hè's Art Barra...

Vào tối qua, ngày 06/11/2024, đã diễn ra Lễ Khai mạc không gian Nguyễn Văn Hè's Art B...