Đi lễ chùa đầu năm là truyền thống lâu đời, một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt nói chung và người dân xứ Huế nói riêng.
Mồng 1 Tết năm nay, tiết trời se lạnh, không mưa. Trong ngày đầu năm mới, thời tiết ủng hộ người dân và du khách vui xuân. Trên khắp các nẻo đường ở thành phố Huế, dòng người tấp nập chào đón năm mới thì tại các chùa ở Huế, nhiều người đến chùa lễ Phật.
Người Huế đầu năm đến chùa, thắp nén nhang, cầu cho tâm hồn sáng trong, cầu xin thân an lạc, ý nguyện đạt thành. Một người dân Huế chia sẻ việc đi chùa đầu năm là để cầu mong năm mới an hòa bình yên và tìm đến những điều tốt đẹp
Tại thành phố Huế hiện có hơn 300 ngôi chùa và niệm phật đường lớn nhỏ. Nhiều ngôi tổ đình, cổ tự nổi tiếng như: Thiên Mụ, Từ Đàm, Bảo Quốc, Từ Hiếu, Quốc Ân, Trúc Lâm, Thiên Minh... Mỗi một ngôi chùa không chỉ là công trình kiến trúc độc đáo hòa quyện giữa con người với cảnh quan thiên nhiên mà còn là địa chỉ lịch sử, văn hóa, tâm linh đặc sắc.
Người dân đi lễ chùa đầu năm cũng nhẹ nhàng, không lễ vật, chen lấn, chỉ cầu mong sự an lành, tâm hồn thanh thản.“Đầu năm, mình đến chùa cầu an trước là cho gia đình sau là cho bản thân mình và con cháu mai sau. Đến chùa cúng tổ, sau đó đi thăm bà con họ hàng ” Chị My ở Huế chia sẻ khi được hỏi về ý nghĩa việc đi chùa ngày đầu năm.
Áo dài là trang phục được hầu hết mọi người chọn khi đi lễ chùa đầu năm
Chụp ảnh kỷ niệm với cây lộc đầu năm ở sân chùa Từ Hiếu
Ngoài đi chùa thì đến Huế ngày đầu năm là dịp để mọi người đến tham quan khu di sản của Huế như Đại Nội và các lăng tẩm
Tại khu vực Hoàng cung, Đại Nội Huế, du khách được tham gia vào các chương trình nghệ thuật tại điện Thái Hòa, trải nghiệm các trò chơi cung đình như Xăm hường, Bài vụ, Thả thơ, Đầu hồ, xin chữ đầu Xuân… những hoạt động mang đậm dấu ấn văn hóa triều Nguyễn.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế miễn phí vé tham quan di tích ngày mùng 1 Tết, thay vì 3 ngày như trước đây nên lượng khách tập trung đông vào ngày mùng 1 Tết.
Ông Nguyễn Phước Hải Trung, Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: “Trong ba ngày Tết thì ở tại các không gian khác nhau, Trung tâm Bảo tồn di tích tổ chức các chương trình nghệ thuật đêm giao thừa, chương trình nghệ thuật đón lượt du khách đến xông đất khu di sản Huế. Các chương trình biểu diễn Lân sư rồng ở trong Đại Nội, Hoàng Cung Huế vào ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3. Trung tâm cũng muốn mỗi năm có một nét mới làm cho những cái hình ảnh về văn hoá Huế, để chúng tôi vừa quảng bá cho khu di sản, vừa làm cho du khách trải nghiệm, vừa đem lại niềm vui cho người dân, du khách trong dịp Tết”.
Người Huế và du khách tham quan khu vực điện Kiến Trung trong Hoàng thành
Xu hướng du lịch ngày tết dần trở nên phổ biến và điểm đến Huế càng trở thành lựa chọn cho những chuyến xuất hành đầu năm của nhiều du khách. Ngay trong ngày mùng 1 Tết, tại nhiều điểm du lịch ở Huế, người dân và du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch khá đông. Khách nước ngoài đi theo tour vào Đại Nội Huế rất nhiều, trong khi đó, khách các địa phương trong nước có xu hướng du lịch tự túc. Họ đi trên xe cá nhân, hoặc đến Huế thuê phương tiện để chủ động cho kế hoạch du xuân của mình.
Đại Nội Huế điểm đến không thể bỏ qua khi du xuân ở Cố Đô Huế
Đại diện ngành du lịch TP Huế cho biết, trong 9 ngày nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ, Huế dự kiến sẽ đón 130.000 lượt khách tham quan, cao hơn dịp Tết Giáp Thìn (năm 2024) khoảng 20.000 lượt, trong đó tổng khách lưu trú khoảng 76.200 lượt, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách lưu trú nội địa khoảng 34.290 lượt và khách lưu trú quốc tế khoảng 41.910 lượng.
Tin liên quan
Lễ hội Đu Tiên là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán tại làn...
Thông tin từ lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa, TP. Huế cho biết, linh vật rắn năm nay hiệ...
Sáng 22/1 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ dựn...
Trong không khí nao nức đón tết cổ truyền, sáng 22/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô...