Lễ hội Đu Tiên - Nét đẹp truyền thống của làng Gia Viên

Lễ hội Đu Tiên - Nét đẹp truyền thống của làng Gia Viên

Lễ hội Đu Tiên là một lễ hội truyền thống được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán tại làng Gia Viên, Thành phố Huế. Tại đây du khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa với những nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian thú vị.

Người Huế có câu “ba ngày Tết, bảy ngày xuân” muốn nói rằng những ngày Tết Nguyên đán chính là dịp để toàn bộ mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, dừng hết mọi công việc, tận hưởng khoảnh khắc đầu tiên của năm mới. Nếu ở những thành phố lớn, Tết chỉ có ba ngày rồi mọi người lại hối hả trở lại với công việc thường nhật thì ở Huế, người dân ăn Tết rất lâu và sâu. Ba ngày tết dường như chỉ mới là bước chuẩn bị, những ngày tiếp theo mới được coi là phần hội với rất nhiều lễ hội đặc sắc. Trong đó hội Đu Tiên chính là một phần không thể thiếu.

Lễ hội Đu Tiên là một nét văn hóa đặc sắc của một số làng quê tại Huế, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến làng Gia Viên

Trước khi đu, người chơi được trang bị đai bảo hộ để đảm bảo an toàn trong suốt cuộc thi

Lễ hội Đu Tiên được tổ chức rất sôi nổi tại nhiều địa phương của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thế nhưng bắt nguồn của lễ hội phải nói đến làng Gia Viên, thuộc xã Phong Điền, huyện Phong Điền. Không có bất cứ sách sử nào ghi chép cụ thể lịch sử lễ hội đã được tổ chức từ khi nào, nhưng theo những bị bô lão làng Gia Viên thì nơi đây đã gìn giữ phong tục lễ hội trong suốt hơn 150 năm qua. Đây trở thành lễ hội truyền thống trong dịp Tết Nguyên đán, là cơ hội để dân làng quây quần cùng nhau đón năm mới, tham gia trò chơi rèn luyện sức khỏe, cầu cho mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi, mùa màng bội thu.

Lễ hội Đu Tiên được tổ chức vào mùng 4 tết Âm lịch, định kỳ hai năm một lần. Trước đây lễ hội chỉ có sự tham gia của người dân địa phương nhưng đến nay nhờ du lịch Huế phát triển, lượng khách đổ về đông đúc, đặc biệt là dịp Tết. Thế nên lễ hội Đu Tiên đã trở thành một trong những sự lựa chọn sáng giá để du khách vui chơi và tận hưởng khoảng thời gian khám phá Huế Tết Nguyên đán.

Để chuẩn bị cho lễ hội Đu Tiên, từ trước Tết ban tổ chức lễ hội đã chọn hai cây tre già, thẳng, chắc chắn để dựng lên tại sân đình. Trên hai cây tre sẽ treo cơ hội phấp phới, ở giữa thân trẻ cột dây thừng, cột thật chắc để đảm bảo an toàn cho người chơi đu dây. Giá đu còn cần gắn thêm dụng cụ bảo hộ để an toàn hơn nữa.

Theo phong tục của làng Gia Viên, lễ hội Đu Tiên dành cho tất cả dân làng tham gia vui chơi nhưng phần thi hội đu thì chỉ dành cho nam giới. 30 chàng trai khỏe mạnh sẽ được tuyển chọn để thi đấu cùng nhau, gồm cả người của làng và những người ở địa phương khác tới. Các thí sinh sẽ bốc thăm để lấy số thứ tự từ 1 đến 30 rồi bắt đầu đấu loại trực tiếp.

Mở đầu lễ hội, bô lão đứng đầu trong làng Gia Viên sẽ mặc bộ áo dài khăn đóng truyền thống, đại diện cho cả làng đánh tiếng trống đầu tiên. Tiếp theo sẽ là các nghi lễ cúng bái, thắp nhang cúng các vị thần khai khẩn nên ngôi làng. Rồi bô lão tiến về phía giá đu, lên giá để đánh dấu việc mở màn ngày hội.

Rất đông khán giả đã đến cổ vũ cho các vận động viên ngay từ sáng sớm

Phần tranh tài của 30 chàng trai được diễn ra rất quyết liệt trong tiếng hò reo cổ vụ của dân làng và du khách, làm không khí ngày xuân càng trở nên náo động. Các chàng trai sẽ cố gắng hết sức để nhún thật mạnh rồi đu thật cao. Người chơi thông minh là người biết cách lấy đà tốt, dùng lực ở hai chân giúp đu lên độ cao tối đa. Người chiến thắng sẽ là người chơi chạm tay đầu tiên vào lá cờ đỏ được treo ở vị trí cao nhất.

Để chơi được trò chơi này đòi hỏi người ta phải thật khéo léo trong từng động tác, phối hợp ăn ý với đu để đưa đu lên cao nhất có thể. Tất cả mọi người trong làng hay ngoài làng đều có thể tham gia thi. Độ tuổi thì cũng rất đa dạng từ những cụ tuổi đã xế chiều cho đến các bạn trẻ ai ai cũng muốn thi để giành giải do làng thưởng lấy may mắn đầu năm.

Lễ hội Đu Tiên không chỉ chọn ra một người chiến thắng mà có đến 5 giải thưởng dành cho người chơi. 5 giải lần lượt là giải cúng, nhất, nhì, ba, và giải phá dành cho 5 người có thành tích tốt nhất. Giải cúng trao cho người đầu tiên đu cao nhất và chạm tay vào lá cờ trên đỉnh cây đu. Giải nhất, nhì, ba dành cho người thứ 2, 3, 4 chạm tay vào cờ. Còn riêng giải phá sẽ dành cho người giật được lá cờ ra khỏi đỉnh đu. 

Người giành được giải Cúng lễ hội đu tiên làng Gia Viên năm nay vui vẻ nói: “Lúc này, thật sự là em rất vui và rất tự hào vì đã nỗ lực hết mình để đạt được giải này. Đây là món quà đầu năm mới hi vọng nó sẽ mang lại nhiều may mắn cho em trong năm nay”.

Giữa nắng xuân xanh ngát, gió dịu nhẹ, chiếc đu bay bay trong không trung khiến khung cảnh lễ hội trở nên vui tươi, rộn rã. Xung quanh nhiều người dân làng cùng hò reo, cổ vũ để người chơi có thêm tinh thần tạo ra những màn trình diễn độc đáo và đặc sắc.

Đu tiên là một trong những trò chơi truyền thống đầu xuân thu hút nhiều khách thập phương và người dân đến tham gia và cổ vũ.

Những em bé nhỏ được ba cõng trên vai chăm chú theo dõi đu Tiên, ước mơ bay cao và xa 

Đu tiên là một trong những lễ hội truyền thống trong mỗi dịp Tết tại các làng xã ở Huế. Đến nay, lễ hội này vẫn được lưu giữ không chỉ ở làng Gia Viên mà còn tái hiện trên nhiều làng khác ở Huế như Quảng Thọ (huyện Quảng Điền), Điền Hòa (huyện Phong Điền)…

Một vị cao niên chăm chú theo dõi các trai tráng thi tài.

Lễ hội còn giúp siết chặt thêm tình đoàn kết của nhân dân quê hương là nơi gắn bó để mọi người có thể tụ họp tại quê hương mỗi dịp xuân về.

Lê Huy Hoàng Hải

Tin liên quan

Đến Huế đi đâu vào những ngày đầu năm
Tin tức
Đến Huế đi đâu vào những ngày đầu năm

Đi lễ chùa đầu năm là truyền thống lâu đời, một nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm li...

Linh vật Rắn của Huế ra mắt
Tin tức
Linh vật Rắn của Huế ra mắt

Thông tin từ lãnh đạo UBND quận Thuận Hóa, TP. Huế cho biết, linh vật rắn năm nay hiệ...

Lễ dựng nêu trong cung vua
Tin tức
Lễ dựng nêu trong cung vua

Sáng 22/1 (23 tháng chạp âm lịch), Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức lễ dựn...

Trải nghiệm tết xưa với " Phong Vị Tết Huế" trong hoàng cung
Tin tức
Trải nghiệm tết xưa với " Phong Vị Tết Huế" t...

Trong không khí nao nức đón tết cổ truyền, sáng 22/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô...