Với bề dày lịch sử gần 400 năm, Thừa Thiên Huế đã hình thành nên một hệ thống các làng nghề đồ sộ và được gìn giữ, phát triển cho đến bây giờ. Hiện nay, Huế có khoảng 88 làng nghề truyền thống, trong đó 69 làng nghề thủ công. Mỗi làng nghề đều có những nét đặc trưng, độc đáo riêng biệt và đang dần thu hút khách du lịch trong nước cũng như khách quốc tế đến tham quan.
Nghề làm nón lá được hình thành và phát triển ở Huế từ hàng trăm năm nay. Nón lá Huế không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương khi đến Huế. Nón lá Huế, đặc biệt là nón bài thơ, không chỉ là chiếc nón lá đơn thuần mà đó là cả một tác phẩm nghệ thuật thực sự, với biểu tượng ẩn hiện như hình ảnh cầu Trường Tiền, núi Ngự Bình, Ngọ Môn, Phu Văn Lâu, cầu ngói Thanh Toàn... và một số câu thơ nổi tiếng hoặc những hình ảnh về Huế được người thợ thêu nổi, vẽ lên trên nền nón lá.
Một số địa chỉ tham quan, mua sắm nón lá Huế:
- Không gian Văn hóa Lục Bộ (79 Nguyễn Chí Diểu, thành phố Huế)
- Chợ Đông Ba (đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế)
Hình ảnh nghệ nhân đang vẽ trang trí trên chiếc nón lá Huế
2. Làng hương Thủy Xuân
Làng hương Thủy Xuân lớn nhất xứ Huế, nổi tiếng với nghề làm hương trầm hàng trăm năm nay. Du khách đến tham quan làng hương sẽ được khám phá các công đoạn làm hương bằng thủ công cũng như được tìm hiểu thêm về nghề, về người và cuộc sống của người dân xứ Huế. Hiện nay, đây là một trong những địa chỉ "check in" khá nổi tiếng của Huế đối với người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Địa chỉ: Đường Huyền Trân Công Chúa, thành phố Huế.
Background rực rỡ đầy sắc màu tại làng hương đang thu hút rất nhiều bạn trẻ tới chụp ảnh "check in"
3. Làng hoa giấy Thanh Tiên
Là một địa danh nổi tiếng về nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa Sen, xuất hiện cách đây hàng trăm năm. Trải qua nhiều thế kỷ, làng hoa giấy Thanh Tiên vẫn tiếp tục lưu giữ nét đẹp tâm linh trên bàn thờ gia tiên mọi gia đình xứ Kinh kỳ. Nơi đây trở thành điểm du lịch đang được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm.
Địa chỉ: Làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Người đân đang làm hoa giấy Thanh Tiên
4. Làng nghề tranh dân gian làng Sình
Tranh dân gian làng Sình xuất hiện cách đây khoảng gần 400 năm về trước, dùng để cúng bổn mệnh, cúng gia tiên, cúng thế mạng, cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi… Trải qua bao thăng trầm, ngày nay tranh làng Sình đã trở thành một mặt hàng nổi tiếng và ngôi làng này đã trở thành một điểm du lịch rất hấp dẫn.
Địa chỉ: Làng Sình (Lại Ân), xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người đã có công khôi phục lại dòng tranh làng Sình
5. Làng mây tre đan Bao La
Làng Bao La nằm ở bờ Bắc sông Bồ, cách Huế khoảng 30km, thuộc xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền. Là một làng quê nổi tiếng với làng nghề truyền thống đan lát sản phẩm bằng mây, tre, chế tác đồ dân dụng và mỹ nghệ.
Địa chỉ: Xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Một không gian trưng bày các sản phẩm mây tre đan Bao La
6. Làng nghề đệm bàng Phò Trạch
Từ một loài cây cỏ dại mọc ở vùng đất trũng ngập nước, người dân ở Làng Phò Trạch đã biến chúng thành hàng trăm ngàn sản phẩm thủ công mỹ nghệ thiết thực, đẹp mắt và thân thiện với môi trường. Hình thành một làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm nay với thương hiệu nổi tiếng là "Làng nghề Đệm bàng Phò Trạch" (người dân quen gọi là "Phò Trạch Đệm").
Địa chỉ: Làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Sản phẩm làm bằng đệm bàng Phò Trạch
7. Làng gốm Phước Tích
Gốm Phước Tích được làm từ đất sét và nung theo phương pháp truyền thống. Các sản phẩm gốm Phước Tích nổi tiếng khắp nơi, không chỉ bởi độ bền mà còn đặc biệt bởi không có cái nào giống cái nào, màu sắc lại khác nhau. Các sản phẩm sau khi nung mặc dù không tráng men nhưng vẫn có lớp men nổi bên ngoài, không bị thẩm thấu. Từ khi hình thành, do chiến tranh loạn lạc nên làng gốm bị gián đoạn nhiều lần. Ngày nay, làng Phước Tích được đưa vào hoạt động du lịch, một số lò gốm hoạt động trở lại để phục vụ khách tham quan.
Địa chỉ: Thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Các sản phẩm gốm Phước Tích
8. Làng nghề Dệt Dèng A Lưới
Dệt Dèng là một loại hình sản xuất thủ công độc đáo của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trải qua hàng trăm năm, nghề dệt Dèng được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền, dệt nên những tấm Dèng đa màu sắc, họa tiết, hoa văn độc đáo. Năm 2016, nghề dệt Dèng A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tin liên quan
Huế nổi tiếng với các loại nón lá, đặc biệt là nón bài thơ, một biểu tượng văn hóa gắ...
Vào những ngày tháng Chạp, tại làng Địa Linh (phường Hương Vinh, thành phố Huế) lại n...
Huế là vùng đất giàu tín ngưỡng, coi trọng đời sống tâm linh, luôn đề cao sự uy nghi,...
Tranh làng Sình thuộc Làng Sình có tên chữ là Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, các...