Trải nghiệm làm Tranh làng Sình tại Huế

Trải nghiệm làm Tranh làng Sình tại Huế

Tranh làng Sình thuộc Làng Sình có tên chữ là Lại Ân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, cách Huế khoảng 9km về phía hạ lưu sông Hương.

Tranh làng Sình xuất hiện cách đây khoảng gần 400 năm về trước. Lúc đó, dân làng Sình sống cơ bản về nông nghiệp, nhưng do vị trí sát kề đế đô lại thuận tiện giao thông nên có rất nhiều người buôn bán và làm thủ công, trong đó có nghề làm tranh thờ in ván khắc gỗ còn màu tô tay. Hầu hết tranh thờ in ván bày bán ở hàng mã là do dân Sình làm, nên quen gọi là “tranh Sình”.

Người dân làng Sình sử dụng loại giấy dó hoặc giấy mộc quét điệp để in tranh và nguyên liệu tự nhiên để tạo nên màu sắc. Xanh dương, vàng, đơn, đỏ, đen, lục là những gam màu chủ đạo tạo nên sắc màu rực rỡ cho tranh làng Sình. Ván in bằng gỗ mít, họ tự khắc hoặc thuê thợ khắc. Tranh in lối ngửa ván rồi dùng tay vuốt giấy cho phẳng, in lấy nét và mảng đen, sau dựa vào đấy mà tô màu một số mảng.

Tranh Sình dùng để cúng bổn mệnh, tranh cúng gia tiên, tranh ảnh cúng thế mạng, cầu cho người yên vật thịnh, phụ nữ sinh nở được mẹ tròn con vuông, trẻ em chóng lớn, người ốm chóng khỏi… vì vậy tranh làng Sình được chia thành tranh để thờ và tranh để hóa như hóa vàng. Có khoảng 50 đề tài được thể hiện trong tranh ở làng Sình, chia làm 3 chủ đề: tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật, phản ánh tín ngưỡng cổ xưa của người Việt.

Trải qua bao thăng trầm, ngày nay tranh làng Sình đã trở thành một mặt hàng nổi tiếng và ngôi làng này đã trở thành một điểm du lịch rất hấp dẫn. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người đã có công khôi phục lại dòng tranh làng Sình, tham quan tại cơ sở làm tranh của nghệ nhân, chúng ta sẽ được nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và quá trình phát triển thăng trầm của dòng tranh này, cũng như vật liệu, quy trình để làm ra một bức tranh. Trước đây, tranh làng Sình chủ yếu dùng để làm tranh thờ cúng, tuy nhiên trong những năm gần đây, do nhu cầu của khách du lịch, dòng tranh này lại phát triển thêm thể loại tranh trang trí, lịch treo tường 12 con giáp.

Nắm bắt được nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp du lịch đã sớm đưa các cơ sở làm tranh làng Sình vào các tour du lịch cộng đồng nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu và tham gia trải nghiệm làm tranh của khách du lịch.

Ảnh: Lê Đình Hoàng

Lê Thị Thu Thủy

Tin liên quan

Đa dạng Nón lá Huế
Làng nghề
Đa dạng Nón lá Huế

Huế nổi tiếng với các loại nón lá, đặc biệt là nón bài thơ, một biểu tượng văn hóa gắ...

Nghề làm tượng ông Táo thờ cúng ở Huế
Làng nghề
Nghề làm tượng ông Táo thờ cúng ở Huế

Vào những ngày tháng Chạp, tại làng Địa Linh (phường Hương Vinh, thành phố Huế) lại n...

Một số làng nghề nổi tiếng ở Huế
Làng nghề
Một số làng nghề nổi tiếng ở Huế

Với bề dày lịch sử gần 400 năm, Thừa Thiên Huế đã hình thành nên một hệ thống các làn...

Khám phá nghề làm lọng cung đình Huế
Làng nghề
Khám phá nghề làm lọng cung đình Huế

Huế là vùng đất giàu tín ngưỡng, coi trọng đời sống tâm linh, luôn đề cao sự uy nghi,...