Thời nhà Nguyễn, quan phụ chính đại thần Tôn Thất Hân là người tài năng và đức độ, đã phò trợ hết sức cho triều đình. Lăng mộ ông hiện đặt tại chùa Phò Quang, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Dưới triều đại nhà Nguyễn đã xuất hiện không ít những vị quan phò trợ hết sức cho triều đình. Quan phụ chính đại thần Tôn Thất Hân là một ví dụ trong số đó. Vốn có tài năng và đức độ nên con đường quan trường của ông rất tiến triển. Thậm chí đến lúc về già, đầu đã bạc mái, vị thế và tiếng nói của Tôn Thất Hân vẫn mang một thần thái rất uy nghi trong triều đình.
Quan phụ chính đại thần Tôn Thất Hân sinh năm 1854 tại xã Lại Thế, tổng Đường Anh, huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên (nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang). Ông xuất thân trong gia đình Tôn thất nhà Nguyễn, vốn thuộc Hệ 5 của dòng chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.
Vào năm Tự Đức thứ 32 (1879), Tôn Thất Hân tốt nghiệp trường Quốc Tử Giám rồi vào làm Hậu bổ tại ty Án sát sứ tỉnh Quảng Nam. Sau đó với khả năng của mình, ông được bổ nhiệm lên Tri huyện rồi sau đó là Tri phủ (1888).
Chân dung cụ Tôn Thất Hân được lưu giữ tại chùa Phò Quang (Ảnh: Bảo Minh)
Ông được đánh giá là vị quan thanh liêm và mẫn cán, luôn chăm lo cho đời sống của dân. Nhờ vậy mà đường công danh của Tôn Thất Hân thăng tiến rất nhanh và suôn sẻ. Lần lượt từ năm 1891 đến năm 1906, ông đảm nhận các chức vụ Lang trung, Án sát Hà Tĩnh… cho đến Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh).
Vào năm Thành Thái thứ 8 (1906), ông được triệu về Kinh và giữ chức Thượng thư bộ Hình - một chức vụ đứng đầu trong hệ thống Lục bộ lúc bấy giờ. Cùng với đó, ông còn được triều đình sung làm Cơ Mật Viện đại thần.
Một năm sau, vào năm 1907, vua Thành Thái dưới áp lực của Pháp buộc phải thoái vị và nhường ngôi cho hoàng tử Vĩnh San lúc đó mới tám tuổi, tức vua Duy Tân sau này. Do vua còn tuổi thành niên nên Phủ Phụ chánh lập tức được thành lập. DDây là cơ quan quyền lực cao nhất được lập ra để giúp vua đang còn vị thành niên cai trị đất nước. Khi đó, Phủ Phụ chánh được lập ra gồm sáu Phụ chánh đại thần là sáu Thượng thư và Tôn Thất Hân là một thành viên.
Vua Duy Tân sau này lại tỏ rõ là một vị vua yêu nước, đã cùng Trần Cao Vân và Thái Phiên mở cuộc tấn công quân Pháp. Tuy nhiên điều này sớm bị Pháp phát hiện và kết quả là vua Duy Tân phải bị truất phế. Vị vua tiếp theo nối ngôi triều Nguyễn là vua Khải Định. Vì vua Khải Định tuổi đã trưởng thành nên Phủ Phụ chánh cũng bãi bỏ, Tôn Thất Hân được bổ nhiệm vào Viện Cơ Mật trở lại. Về sau ông cũng đạt đến Viện trưởng Viện Cơ Mật.
Đến năm 1923 thì Tôn Thất Hân được thăng lên Văn Minh Đại học sĩ. Cũng trong năm này, ông cũng về hưu. Tuy về hưu ở triều nhưng trong gia tộc, ông vẫn rất được trọng vọng khi là người đứng đầu Tôn Nhơn Phủ - cơ quan quản trị hoàng thân quốc thích triều Nguyễn.
Phụ Chính Thân Thần Phò Quang Quận Vương Tôn Thất Hân được tấn phong tước Vương vào tháng 5 năm Bảo Đại thứ 19 (1944). Cả một đời thượng thọ, Tôn Thất Hân đã cống hiến hết sức mình để phò trợ cho triều đại nhà Nguyễn. Trong một giai đoạn thoái trào, những đóng góp của ông đã giúp nhân dân bớt nạn binh đao. Điều đó để thấy rằng, Tôn Thất Hân quả thực là một vị quan nổi bật trong giai đoạn cuối của triều Nguyễn, với những đóng góp không ngừng nghỉ của mình .Bên cạnh lăng mộ chính của cụ Tôn Thất Hân, trong khuôn viên chùa Phò Quang (83 Thiên Thai, An Tây, Thành phố Huế) còn 2 lăng mộ của vợ cả và vợ thứ. Tuy đẹp và có kiến trúc độc đáo nhưng khu lăng mộ này vẫn ít người biết đến.
Tin liên quan
Hoàng đế Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Thị, còn có tên là Đường và Biện. Ông là c...
Lăng Dục Đức (An Lăng) là nơi an nghỉ cuối cùng của ba vị vua triều Nguyễn: Dục Đức (...
Ngày 07/6/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế long trọng tổ chức lễ khánh thành...
Ở phía Bắc lăng vua Tự Đức (phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế) có một lăng mộ nhỏ nhưng...