Lăng vua Đồng Khánh (Tư Lăng) mang vẻ đẹp cổ kính

Lăng vua Đồng Khánh (Tư Lăng) mang vẻ đẹp cổ kính

Hoàng đế Đồng Khánh tên là Nguyễn Phúc Ưng Thị, còn có tên là Đường và Biện. Ông là con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, sinh ngày 12 tháng Giêng năm Giáp Tý (19/02/1864). Năm 1865 lúc được 2 tuổi, Ưng Thị được vua Tự Đức nhận làm con nuôi và giao cho bà Thiện Phi Nguyễn Thị Cẩm chăm sóc, dạy bảo.

Sau binh biến năm 1885, Hoàng đế Hàm Nghi em trai của ông bỏ ngai vàng ra Tân Sở, triều đình Huế thương lượng với Pháp đưa Ưng Đường lên ngôi, đặt niên hiệu là Đồng Khánh. Ở ngôi được 3 năm, Hoàng đế Đồng Khánh bệnh và mất vào ngày 27 tháng 12 năm Mậu Tí (28/01/1889) lúc được 25 tuổi.

Lăng vua Ðồng Khánh, còn gọi là Tư Lăng là một di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng vua Đồng Khánh - vị hoàng đế thứ chín của nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, tại vị từ năm 1888 đến 1889. Đây là ngôi lăng mộ đặc biệt và duy nhất được xây dựng qua bốn đời vua mới hoàn thành (1888 - 1923).

Nằm giữa hai lăng Thiệu Trị và Tự Đức, lăng Đồng Khánh thuộc địa phận làng Cư Sĩ, tổng Dương Xuân, ngày nay là phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Ngày 11/12/1993, lăng vua Đồng Khánh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Sau khi lên ngôi (tháng 2/1888), vua Đồng Khánh cho xây dựng bên lăng mộ của cha ông là Kiên Thái Vương - Nguyễn Phúc Hồng Cai ngôi điện đặt tên là Truy Tư để thờ cúng cha. Công việc đang triển khai thì vua Đồng Khánh mắc bệnh và đột ngột băng hà. Vua Thành Thái (1889 - 1907) kế vị trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, kinh tế suy kiệt nên không thể xây cất lăng tẩm quy củ cho vua tiền nhiệm, đành lấy điện Truy Tư đổi thành Ngưng Hy để thờ vua Ðồng Khánh. Thi hài nhà vua cũng được an táng đơn giản trên quả đồi có tên là Hộ Thuận Sơn, cách điện Ngưng Hy 30m về phía Tây. Toàn bộ khu lăng tẩm được gọi tên là Tư Lăng.

Minh Toàn

Tin liên quan

Lăng Dục Đức: Hành trình hồi sinh di sản và tiềm năng du lịch
Lăng tẩm
Lăng Dục Đức: Hành trình hồi sinh di sản và t...

Lăng Dục Đức (An Lăng) là nơi an nghỉ cuối cùng của ba vị vua triều Nguyễn: Dục Đức (...

Lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ khang trang, xứng tầm công lao của bậc hiền mẫu
Lăng tẩm
Lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dũ kha...

Ngày 07/6/2024, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế long trọng tổ chức lễ khánh thành...

Nơi lưu giữ kiến trúc điển hình của lăng mộ hoàng hậu triều Nguyễn
Lăng tẩm
Nơi lưu giữ kiến trúc điển hình của lăng mộ h...

Ở phía Bắc lăng vua Tự Đức (phường Thuỷ Xuân, thành phố Huế) có một lăng mộ nhỏ nhưng...

Lăng mộ vị đại thần nhiếp chính cuối cùng của triều Nguyễn
Lăng tẩm
Lăng mộ vị đại thần nhiếp chính cuối cùng của...

Thời nhà Nguyễn, quan phụ chính đại thần Tôn Thất Hân là người tài năng và đức độ, đã...